Luật nào ra đời và đi vào cuộc sống, cũng có nguy cơ bị lợi dụng và lạm dụng. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng không ngoại lệ.
Thực tế qua vài ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) có hiệu lực, vẫn có rất nhiều người liều lái xe sau khi đã uống rượu bia.
Số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho thấy, sau hai ngày thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (ngày 1 và 2/1), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng.
Theo đó, căn cứ các quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cả luật và nghị định nêu trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020.
Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người lái ôtô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người chạy xe máy, phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Mức phạt người đi xe đạp, xe thô sơ vi phạm từ 400.000 - 600.000 đồng.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 06/01/2020
04:00, 04/01/2020
12:52, 03/01/2020
05:00, 24/12/2019
00:00, 11/08/2019
Nhìn vào con số trên, nhiều người không khỏi vui mừng bởi Luật đã chính thức đi vào cuộc sống, và bước đầu đạt được hiệu ứng tốt. Với mức xử phạt nặng như trên, hẳn sẽ là hình thức răn đe hiệu quả đối với những người tham gia giao thông khi có nồng độ cồn trong người.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay, lòng tin của người dân với lực lượng CSGT chưa được tốt. Do đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại khi luật đi vào cuộc sống sẽ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực khi thực thi, cụ thể là lợi dụng và lạm dụng chính sách để trục lợi.
Đặc biệt, do quy định pháp luật trao cho CSGT quyền áp dụng mức phạt rất nặng, số tiền phạt rất lớn, nên rất có thể sẽ phát sinh tiêu cực, tức là có sự thỏa thuận “làm luật” giữa người xử phạt và người vi phạm pháp luật.
“Là lái xe đường dài tôi biết nhiều nơi vẫn còn tình trạng lực lượng chức năng “làm luật” để bỏ qua vi phạm. Với mức tiền xử phạt lớn đến 40 triệu đồng, lái xe sẵn sàng đề nghị “cưa đôi” giá trị vi phạm để được bỏ qua. Chưa kể đến việc quen biết hoặc quan hệ cấp trên, cấp dưới có người nhà vi phạm”, anh Nguyễn Đức Toàn, lái xe tuyến Hà Nội - Lào Cai bày tỏ lo ngại.
Còn theo anh Hà Minh Phúc, lái xe tuyến Hà Nội - Hạ Long, "ngành công an cần có biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát thật chặt chẽ để kịp thời phát hiện sai phạm trong đội ngũ thực thi công vụ và có hình thức xử lý nghiêm khắc các hành vi tiêu cực như xử lý phạt tùy tiện, “cưa đôi” tiền phạt không lập biên bản với người vi phạm, hống hách bắt chẹt người vi phạm.
Mặt khác, cần khuyến khích và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền giám sát để phát hiện các CSGT tiêu cực, bởi xét cho cùng, việc xử phạt người dân chỉ là phần ngọn, phần gốc chính là nằm ở ý thức người tham gia giao thông".
Cần phải nhắc lại rằng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau đó 2 ngày, tức ngày 1/1/2020, nâng mức phạt người uống rượu bia lái xe lên rất cao. Cả mức phạt tiền cao nhất đối với ôtô và xe máy và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nâng lên rất nhiều so với trước đây.
Mức phạt như vậy được cho là đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm giao thông, bởi vì đánh mạnh vào "nồi cơm, manh áo" khiến người dân phải cân nhắc, dè chừng, nhất là cánh tài xế mưu sinh bằng nghề lái xe thuê.
Việc soạn thảo Nghị định 100 thay thế Nghị định 46 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, và tinh thần xử lý nghiêm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào luật. Điều này cũng thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, Quốc hội trong việc phòng chống tác hại rượu bia, ngăn ngừa cho xã hội tai nạn giao thông, nhằm thay đổi hành vi, nhận thức.
Tuy nhiên, theo ông ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Luật nào ra đời và đi vào cuộc sống thì bao giờ cũng có nguy cơ bị lợi dụng và lạm dụng. Nếu không có giám sát thì có thể sẽ trở thành “miếng mồi ngon” để người ta lạm dụng và lợi dụng. Đây cũng là điều đang được dư luận xã hội rất quan tâm và bản thân chúng tôi cũng thấy điều đó. Trước đây quy định phải 0,5 mg/lít nồng độ cồn trong khí thở trở lên mới bị phạt, còn bây giờ cứ có nồng độ cồn trong khí thở là phạt”.
Do đó, ông Phong cho rằng, để ngăn chặn được tình trạng chung chi, tiêu cực trong lực lượng CSGT, đòi hỏi đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của những người tác nghiệp, trực tiếp là CSGT. Bên cạnh đó, việc giám sát thực thi không chỉ riêng Quốc hội, hay cơ quan có thẩm quyền nào, mà cần có sự tham gia giám sát của toàn dân dưới góc độ phản biện xã hội.
“Nếu thấy lực lượng CSGT làm không đúng, người dân hoàn toàn có thể chụp ảnh, quay phim rồi đưa lên mạng xã hội để cho toàn dân biết ai làm sai, ai vi phạm, ai cố tình lợi dụng, lạm dụng thực thi pháp luật? Nếu xảy ra vi phạm phải xử lý đến nơi đến chốn, và cũng phải thông qua việc này mà làm trong sạch đội ngũ tác nghiệp”. - Ông Phong đề xuất.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội) cho rằng, hiện nay có hai luật quy định về xử phạt hành vi của người sử dụng rượu bia và chất kích thích lái xe là Luật phòng chống tác hại rượu bia và Luật giao thông đường bộ.
Ngoài ra, Luật hình sự cũng có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia và chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.
"Việc thông qua các luật này thể hiện quyết tâm của Quốc hội về việc nghiêm cấm hành vi lái xe khi đã sử dụng rượu bia và chất kích thích khác. Đây là luật cấm tổng thể, khi đã uống rượu bia và chất kích thích thì bất kể nồng độ cồn bao nhiêu cũng không được lái xe. Như vậy, nếu vi phạm, người dân chắc chắn sẽ bị xử phạt ít nhất là về mặt hành chính.
Luật phòng chống tác hại rượu bia tạo ra sự cưỡng chế pháp lý mới. Vậy phần còn lại là trách nhiệm của các cơ quan thực thi làm sao để thi hành luật nghiêm khắc. Luật này có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc vào hai yếu tố, thứ nhất chính công dân có chấp hành hay không? Thứ hai, khi có vi phạm cơ quan chức năng có xử lý nghiêm khắc hay không?" -- đại bểu Nguyễn Mai Bộ nói.
Theo ông, kinh nghiệm trước đây, lúc đưa ra quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lái xe nhiều người nghĩ sẽ không đi vào cuộc sống được. Nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm, kết hợp với truyền thông, giáo dục, quy định này đi vào cuộc sống thành công. Hiện nay, đội mũ bảo hiểm khi lái xe ra đường trở thành thói quen của người dân.