Xu thế đa phương là quá trình không thể đảo ngược

THY HẰNG thực hiện 22/02/2021 14:30

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và theo đó hợp tác đa phương là quá trình không thể đảo ngược.

Nhiều đánh giá cho rằng, trong 4 năm tới, thế giới sẽ trở lại với chủ nghĩa đa phương. Theo đó, thế giới sẽ có thời gian để nối lại các mối quan hệ rường cột, đây không phải là mong muốn của riêng ai, mà là xu thế tất yếu - muốn đạt được hai mục đích sau đây thì phải “toàn cầu hóa”. DĐDN đã có cuộc trò chuyện cùng Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn-Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới về vấn đề này.

Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn-Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới

Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh khi chủ nghĩa đa phương ở Mỹ quay lại, Việt Nam cần tiến thêm những bước gắn kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

- Quan điểm của ông về sự trở lại của chủ nghĩa đa phương này như thế nào? Xu thế cụ thể sẽ ra sao, thưa ông?

Tổng thống Biden sẽ quay lại kế tục truyền thống đa phương của Mỹ là điều hiển nhiên, vấn đề là đa phương theo lối cũ nghĩa là mọi chuyện phải bàn thảo quá nhiều với các đối tác, tuân theo đồng thuận và chấp nhận giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ? Hay thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ trong đa phương: chi nhiều tiền cho các vấn đề toàn cầu, lập đồng minh, thuyết phục, thậm chí gây sức ép với những đối tác?

Nhiều khả năng chủ nghĩa đa phương dưới thời ông Biden sẽ thiên về lối chơi thứ hai kể trên.

Tuy nhiên, chắc chắn là có một điểm quan trọng trong chủ nghĩa đa phương của Mỹ dưới thời ông Biden là thiết lập liên minh với các đồng minh và bạn bè để đối phó với Trung Quốc, và coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược thay vì là đối tác hợp tác như trước. Điều này thể hiện ở hai khía cạnh, thứ nhất, Mỹ sẽ trở lại với đồng minh cũ và tạo thêm đồng minh mới nhằm ứng phó với Trung Quốc. Thứ hai, chỉ hợp tác với Trung Quốc ở những vấn đề cần phải hợp tác như biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, kể cả an ninh nếu có thể. 

Như vậy, chính sách với Trung Quốc sẽ không có nhiều thay đổi so với thời của Tổng thống Trump mà chỉ khác ở cách đối phó mà thôi. Trump thì đối phó với Trung Quốc một mình còn ông Biden thì đối phó với Trung Quốc theo cách lập liên minh. Cách của ông Biden mới là cách đúng và có hiệu quả.

- Vậy Việt Nam cần có đối sách gì trong xu hướng đó? Việc lựa chọn đối tác sẽ chuyển hướng thế nào, thưa ông?

Việt Nam không cần có thay đổi gì đáng kể trong bối cảnh chính sách mới của Mỹ. Bởi vì, thực tế thì Việt Nam vẫn luôn theo đuổi hội nhập quốc tế từ trước đến nay kể cả trong thời kỳ tổng thống Trump. Đó là đường lối đúng vì toàn cầu hóa, và theo đó hợp tác đa phương và hội nhập, là quá trình không thể đảo ngược. 

Lãnh đạo nhiều nước kêu gọi bảo vệ chủ nghĩa đa phương tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Lãnh đạo nhiều nước kêu gọi bảo vệ chủ nghĩa đa phương tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Cần phải nhắc lại, kể cả nước Mỹ dưới thời của tổng thống Trump vẫn đi theo toàn cầu hóa, chỉ khác là lối chơi đơn phương và coi “Mỹ là trên hết” thay vì đa phương và coi trọng thế giới. Và ngay cả dưới thời chính quyền Trump Việt Nam về cơ bản vẫn được xem là đối tác quan trọng và “biết chơi” đối với Mỹ, và kể cả với các đối tác khác.

Khi chủ nghĩa đa phương ở Mỹ quay lại, Việt Nam cần tiến thêm những bước gắn kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

- Còn các FTA chủ chốt sẽ phát huy thế nào tới đây, Việt Nam cần tập trung vào các FTA nào để tận dụng lợi thế, thưa ông?

Các FTA mà Việt Nam ký thì nhiều nhưng quan trọng nhất là các FTA với các đối tác lớn quan trọng như với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc, ASEAN. Các FTA này sẽ giúp Việt Nam đảm bảo sự ổn định của thị trường xuất khẩu, từ đó duy trì được lợi thế thu hút dòng FDI.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI, do đó các FTA với các đối tác quan trọng kể trên là rất quan trọng, là yếu tố quyết định cho sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. 

Đáng tiếc, Việt Nam chưa thể có được FTA với Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới và là đối tác xuất khẩu lớn nhất chiếm tới 19,6%, Trung Quốc thứ hai 17%, Mỹ cũng là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng với tiềm lực lớn, nắm công nghệ hàng đầu thế giới. Do đó, điều Việt Nam cần làm trong thời gian tới là làm thế nào ký được FTA với Mỹ.

- Về phía bản thân doanh nghiệp cần chuẩn bị thế nào cho sự chuyển hướng này, thưa ông?

Các doanh nghiệp Việt cần coi trọng hơn thị trường Mỹ, làm thế nào để tiến mạnh hơn và gắn kết mạnh hơn với thị trường này. Cần có những thương hiệu Việt được ưa chuộng ở Mỹ, điều này là quan trọng vì nó chứng minh với thị trường toàn cầu rằng chất lượng Việt Nam là chất lượng đáng tin cậy, nó giá trị gấp nghìn lần những chiến dịch quảng cáo tốn kém.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Xu thế đa phương sẽ trở lại?

    06:00, 16/02/2021

  • "Hờ hững" với thương mại đa phương tại châu Á, lợi ích chiến lược của Mỹ tổn hại?

    05:00, 25/11/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xu thế đa phương là quá trình không thể đảo ngược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO