Xuân Phú thành công trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư

Kiều Phiên 04/12/2019 13:17

Tuy là một xã miền núi, địa bàn rộng, có tới 80% dân số là người Mường nhưng những năm trở lại đây xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã thành công với sức bật nông thôn mới và thu hút đầu tư.

Trong mấy năm gần đây nhờ sự chỉ đạo tận tình, tìm thấy hướng đi đúng đắn cùng với sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đặc biệt triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cùng với cả nước Xuân Phú nổi lên như điểm sáng của huyện Thọ Xuân.

Xuân Phú không chỉ thành công từ xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới mà còn thành công trong chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang tiểu thụ công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... để bắt kịp với xu hướng thị trường.

Công sở xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)

Công sở xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)

Ông Lê Xuân Hướng - Chủ tịch UBND xã Xuân Phú chia sẻ: Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đồng thuận của bà con nhân dân trong xã đã tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư tham gia đóng góp ngày công, tiền, hiến đất… để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của thôn, xã. Đến nay xã đã có những bước đi vững chắc, bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhanh chóng.

"Hiện nay, xã Xuân Phú có nhiều mặt thuận lợi về giao thông cũng như trong vùng quy hoạch phát triển Trung tâm khu công nghệ cao Lam Sơn Sao Vàng nên công tác thu hút đầu tư cũng thuận lợi hơn nhiều. Cùng với những chính sách hấp dẫn thu hút đến các nhà đầu tư nên Xuân Phú được nhiều doanh nghiệp đầu tư lựa chọn. Ví dụ như Công Ty may Tùng Phương, Trại gà công nghệ của Công ty Phú Gia... đã đi vào hoạt động với sức thu hút hàng trăm lao động tại địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước không nhỏ", ông Hướng cho hay.

Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã đã huy động và thực hiện chính sách đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn, dự án hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, kêu gọi sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp. Đồng thời kêu gọi sự đóng góp của nhân dân thực hiện theo nguyên tắc dân chủ. Các khoản đóng góp được đưa ra bàn bạc, thống nhất theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai theo pháp lệnh số 34.

Với quan điểm xây dựng và phát triển kinh tế bền vững với chiến lược lâu dài, trong những năm qua địa phương ưu tiên phát triển ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đưa cây trồng có giá trị thu nhập kinh tế cao vào sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ..…

Song song với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp thì công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn được quan tâm. Với Thuận lợi có đường đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 47, Tỉnh lộ 519 B, Đường số 4 là thế mạnh phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh buôn bán, dịch vụ thương mại. Hàng năm có trên 115 hộ gia đình đạt gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi (năm 2015: 115 hộ, 2016: 120 hộ, 2017: 150 hộ...).

Toàn xã hiện nay có trên 10 doanh nghiệp, HTX và 234 hộ sản xuất cá thể đều hoạt động có hiệu quả với quy mô mở rộng. Tổng thu từ các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng.

Hạ tầng cơ sở

Hạ tầng cơ sở, giao thông xã Xuân Phú được nâng cấp đồng bộ trở nên khang trang

Trong những năm qua thông qua việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất và chăn nuôi đã tăng thu nhập cho người lao động. Thương mại, dịch vụ và các ngành nghề cũng được địa phương hết sức quan tâm, hàng năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng như Thương mại, dịch vụ, vận tải…. Cơ cấu trong các ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, tăng hộ khá giàu, bộ mặt nông thôn ngày một thêm khang trang, đổi mới toàn diện.

Trong giai đoạn 2015 - 2020 xã đã huy động được 130.897 triệu đồng trong đó: vốn trung ương và ngân sách tỉnh 130.897 triệu đồng, ngân sách huyện 700 triệu đồng, chiếm 3%; ngân sách xã  13.199 triệu đồng, chiếm 10%; vốn nhân dân đóng góp 8.698 triệu đồng, chiếm   6%,vốn doanh nghiệp 13.800 triệu đồng, chiếm 11%. Vốn nhân dân đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, công trình phụ trợ: 85.000 triệu đồng chiếm 65%...

Có thể nói, hoàn thành Chương trình xây dựng NTM đối với một xã miền núi đã khó, nhưng để giữ vững phát huy phát triển kinh tế đồng bộ lại càng khó hơn. Nhưng cán bộ và nhân dân xã Xuân Phú đã làm rất tốt, với các giải pháp đồng bộ đã thực sự làm thay đổi toàn diện bộ mặt địa phương tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn ổn định, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt,  nhân dân có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bình quân giảm từ 7-8%/năm đời sống của nhân dân được nâng cao.

Để chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả và bền vững, xã luôn xác định các giải pháp chủ yếu như tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tầng lớp nhân dân; tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường. Hoàn thành việc xây dựng các hạng mục còn lại của các công trình, tiếp tục  huy động các nguồn lực trong và ngoài địa phương đầu tư xây dựng hạ tâng kỹ thuật đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuân Phú thành công trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO