Xuất khẩu ấn tượng nhưng vẫn nhận được nhiều lời cảnh báo

Nguyễn Việt 04/02/2018 03:40

Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt được con số ấn tượng với 427 tỷ USD. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần cố gắng cải thiện trình độ để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong mỗi sản phẩm, qua đó giúp nền kinh tế được hưởng lợi thực sự từ hoạt động giao thương.

giới chuyên gia dự báo, nhiều khả năng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong năm 2018 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2017. Ảnh: Internet

Giới chuyên gia dự báo, nhiều khả năng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong năm 2018 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2017. Ảnh: Internet

Với việc lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số trên 400 tỷ USD và xuất siêu 2,7 tỷ USD trong năm 2017, giới chuyên gia dự báo, nhiều khả năng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong năm 2018 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2017 với các nhóm hàng xuất khẩu chính như máy tính, linh kiện điện tử; điện thoại, linh kiện điện thoại cũng như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và dệt may, da giày…

Theo ông Phạm Hưng - Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), về cơ bản tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn. Đơn cử, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ gặp phải những vấn đề về kiểm soát chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Ngành hàng như dệt may, da giày vốn có lợi thế là nguồn nhân công giá rẻ sẽ dần mất đi, khi nhiều quốc gia áp dụng công nghệ tự động hóa trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Mặc dù đánh giá FDI là thành tựu của quá trình hội nhập, là một thành phần của nền kinh tế có đóng góp quan trọng vào gia tăng xuất khẩu, tuy nhiên ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng thừa nhận thời gian qua việc kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn làm chưa thật sự tốt, không thực hiện triệt để việc yêu cầu doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam phải chuyển giao công nghệ.

“Đây là những hoạt động sẽ được tập trung giải quyết trong thời gian tới để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước”, ông Hải cho biết.

Hiện nay đang tồn tại một thực tế là khu vực FDI giữ vị thế lớn hơn mức bình thường đối với một nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, cần hoàn thiện việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo đúng mục tiêu chiến lược; khắc phục, phòng tránh nguy cơ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài lấn át khu vực kinh tế trong nước.

“Nếu các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhưng tính lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước thấp, các doanh nghiệp trong nước không tham gia được vào chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đáng kể thì điều đó không có giá trị trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Toàn khẳng định.

Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn đang phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, chủ yếu tập trung tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn nên đang và sẽ bộc lộ những bất ổn, không bảo đảm tính bền vững.

“Doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng hầu như nền kinh tế trong nước hiện nay không khai thác được lợi thế của những doanh nghiệp này. Đặc biệt, Việt Nam chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi từ khối này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn”, ông Thanh nói.

Như vậy có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu khu vực doanh nghiệp FDI vẫn luôn ở thế “áp đảo” khi có mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế trong nước. Đồng thời khu vực FDI vẫn luôn được coi là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Và đây không phải là lần đầu tiên vấn đề hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được nhắc đến. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, khi tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu ấn tượng nhưng vẫn nhận được nhiều lời cảnh báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO