Do cà phê Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô nên chưa thực sự được biết đến nhiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh mặt hàng cà phê đặc sản.
>> Xuất khẩu cà phê sang EU: Đòn bẩy từ EVFTA
Tiềm năng lớn
Hiện nay, năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, trung bình 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê Robusta và 1,4 tấn /ha nhân đối với cà phê Arabica. Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800.000ha). Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới, đạt từ 1,75 - 1,85 triệu tấn.
Theo Cục Trồng trọt- Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê, vượt gần 18% so với quy hoạch của Bộ NN&PTNT (giai đoạn 2020 – 2030, cả nước có 600.000ha cây cà phê). Các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là 5 vùng sản xuất cà phê chính. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước (chiếm 89%) với diện tích khoảng 577 nghìn ha. Các tỉnh có sản lượng và diện tích trồng lớn nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai.
Việt Nam đã bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất cà phê hàng hóa lớn và đang tích cực chuyển hướng sang sản xuất cà phê có chứng nhận bền vững. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã liên kết được với nông dân và hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững, thân thiện với môi trường và đạt các chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ.
Ngành chế biến cà phê Việt Nam cũng đã và đang phát triển theo hướng tăng chế biến sâu. Năng lực chế biến cà phê đã có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm thị phần chính. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.
>> Cần nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt
Cần chuyển hướng phân khúc
Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong sản lượng xuất khẩu và năng suất, nhưng nhìn chung cà phê Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô. Trong quá trình chế biến, sản phẩm cà phê Việt Nam được trộn lẫn với các loại cà phê đến từ các quốc gia khác, khiến người tiêu dùng khó có thể nhận ra hương vị đặc trưng của nó. Về giá xuất khẩu, cà phê Việt Nam được nhận xét là thấp hơn so với trung bình thế giới, nên dù là một trong những quốc gia đứng đầu về sản lượng cà phê, nhưng giá trị cà phê của Việt Nam chỉ thuộc top 10.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển cà phê đặc sản, góp phần nâng cao giá trị cho chuỗi ngành hàng cà phê. Được biết, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đề án đã và đang được triển khai tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.
Tại Hội thảo đánh giá 5 năm thi cà phê đặc sản Việt Nam mới đây, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhận định qua các cuộc thi cho thấy tất cả các vùng trồng cà phê ở Việt Nam đều có tiềm năng sản xuất cà phê đặc sản, trong đó Đắk Lắk chứng tỏ ưu thế phát triển cà phê đặc sản cả về số lượng lẫn chất lượng cà phê robusta.
Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại cà phê đặc sản trong những năm qua tại Việt Nam cho thấy với các đơn vị có danh tiếng qua các cuộc thi, tích cực tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, việc tiêu thụ cà phê đặc sản khá tốt.
Trong khi đó, phân khúc cà phê đặc sản đang phát triển mạnh ở châu Âu. Trong đó, tại thị trường Bắc Âu, các cửa hàng cà phê tiên phong giới thiệu các loại cà phê chất lượng cao hơn. Tại Anh, có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cà phê đặc sản lên tới 13%/năm. Tại Đông Âu, tuy thị trường cà phê đặc sản có quy mô nhỏ hơn, nhưng đang tăng trưởng, đặc biệt tại Krakow (Ba Lan), Prague (Séc), Vilnius (Lithuania)… Do đó, cơ hội xuất khẩu cà phê đặc sản sang EU rất lớn. Đến nay, đã có lô hàng cà phê nhân đặc sản Robusta khoảng 20 tấn từ Đắk Lắk được xuất khẩu sang Vương Quốc Anh với giá gần gấp 3 lần giá cà phê thương mại. Đây là tín hiệu tích cực cần nhân rộng.
Tiềm năng của cà phê đặc sản của Việt Nam là vô cùng lớn, nhưng nhìn chung, việc phát triển và tiêu thụ cà phê đặc sản vẫn còn nhiều thách thức, như nguồn lực đầu tư còn hạn chế; thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực cho hoạt động tập huấn, đào tạo, đánh giá chất lượng; việc kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam còn chưa đủ tầm… Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp hỗ trợ ngành hàng cà phê đặc sản Việt Nam, như đào tạo thêm cho nông dân về canh tác, chế biến cà phê đặc sản; truy nguyên nguồn gốc, thổ nhưỡng, giống cà phê đang được trồng ở các vùng đạt giải cao để nhân rộng; tổ chức các chương trình quảng bá cà phê đặc sản Việt Nam để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội nào cho xuất khẩu cà phê Việt Nam?
11:00, 03/08/2021
Doanh nghiệp "vật lộn" với giá cà phê trong năm 2024
05:00, 20/03/2024
Giá cà phê tăng, doanh nghiệp lo thiếu nguồn cung
10:39, 18/03/2024
“Làn sóng thứ 3” khiến Việt Nam phải nhập cà phê Braxin?
03:05, 03/03/2024
Ngành cà phê Việt và bài toán tinh chế để xuất khẩu
04:47, 21/02/2024
Doanh nghiệp “lao đao” vì giá cà phê
01:00, 30/01/2024