Lối đi nào cho hàng Việt vào Australia?

Thu Hoài 28/11/2019 11:00

Thị trường Australia ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam. Theo các chuyên gia, hàng Việt muốn chiếm lĩnh thị trường này phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng.

Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại

Những ngày cuối tháng 10/2019, hành trình thưởng thức sầu riêng Việt Nam tại Australia đã khởi hành từ Thương vụ đi qua nhiều đường phố Sydney. Hình ảnh quả sầu riêng được trang trí trên xe ô tô cổ cùng với dòng chữ “Vietnamese Durian” đã tạo được nhiều thú vị cho người đi đường.

Đây là hoạt động khởi đầu của Chương trình xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam do Thương vụ thực hiện nhằm thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng đông lạnh Việt Nam tại Australia.

Mặc dù trái sầu riêng tươi chưa được xuất khẩu trực tiếp sang Australia nhưng trước đây, sầu riêng đông lạnh Việt Nam cũng đã cập bến Australia.

Theo khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại Australia, quả sầu riêng Việt Nam có đặc điểm phù hợp để thưởng thức sau đông lạnh vì hương vị được giữ nguyên, vị ngọt dịu, mát lạnh và tiện dụng trong đóng gói, giữ kín mùi trong hộp làm người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng.

Sầu riêng đông lạnh cả quả, đông lạnh nguyên múi, hoặc múi tách hạt đang thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng tại Australia. Tuy nhiên, hiện nay, lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Australia còn rất ít do doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nên tính cạnh tranh khó. “Đại chiến sầu riêng” hiện nay diễn ra chủ yếu giữa các thương hiệu từ Thái Lan và Malaysia.

 Vải là một trong những loại trái cây được cấp phép nhập khẩu vào Australia

Vải là một trong những loại trái cây được cấp phép nhập khẩu vào Australia

Không chỉ riêng trái sầu riêng, dù chỉ với 25 triệu dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Australia rất lớn và đa dạng. Bà Nguyễn Hoàng Thúy – Nguyên Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, đại bộ phận người tiêu dùng Australia có thái độ khá cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều quyết định cuối cùng là các yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả, mà không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ.  

Theo Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), gần đây cộng đồng doanh nghiệp Australia ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam và ngược lại. Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong vòng 10 năm, kể từ năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấn 2 lần, từ 3 tỷ USD lên 6 tỷ USD. Trong 10 tháng năm 2019, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia đạt trên 2,8 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hàng hóa Việt - Australia trung bình trong 10 năm gần đây chỉ chiếm 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Australia. Điều đó cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia còn cách xa so với tiềm năng của nước ta và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Australia.

Có thể bạn quan tâm

  • “Rộng cửa” để hàng Việt xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ

    “Rộng cửa” để hàng Việt xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ

    02:05, 22/03/2019

  • Quảng Ninh muốn đẩy mạnh xúc tiến thương mại với Nhật bản

    Quảng Ninh muốn đẩy mạnh xúc tiến thương mại với Nhật bản

    11:00, 13/11/2019

  • Cơ hội xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống

    Cơ hội xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống

    14:38, 06/11/2019

Để tăng cường quảng bá hàng Việt Nam sang Australia, cùng với Ngày nhãn Việt Nam tại Australia vừa được tổ chức nhân dịp trái nhãn Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang quốc gia này; hành trình thưởng thức sầu riêng Việt Nam tại Australia tổ chức tháng 10 vừa qua, từ ngày 26 đến 28/11/2019 tại khách sạn Pullman Melbourne Albert Park đã diễn ra “Ngày hội hàng Việt Nam tại Melbourne, Australia” do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức. 

Sự kiện quy tụ 39 doanh nghiệp đến từ Việt Nam và 180 doanh nghiệp Australia, doanh nghiệp Việt Nam tại Australia, trong đó có 34 doanh nghiệp tham gia trưng bày hàng hóa (24 doanh nghiệp Việt Nam và 10 doanh nghiệp Australia) tại 50 gian hàng, với 11 nhóm - ngành hàng chủ lực của TP Hồ Chí Minh. Một trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh tại Melbourne cũng được thúc đẩy thành lập ngay trong sự kiện này.

Tận dụng lợi thế

Cùng với lợi thế từ sự ưa thích của người tiêu dùng, theo quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan tương đối lớn.

Tuy nhiên, theo CPTPP, Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường Australia và để được hưởng ưu đãi về thuế quan, DN phải đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu nội địa thuần túy từ các nước trong CPTPP. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường không nhập khẩu trực tiếp mà phải nhập khẩu qua doanh nghiệp thứ ba.

Do không nhập khẩu trực tiếp nên doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến giá đầu vào như thế nào, còn các điều kiện khác bị bỏ qua nên rất khó cho việc chứng minh nguồn gốc để cộng gộp xuất xứ làm bằng chứng để được hưởng lợi về thuế quan, nâng cao sức cạnh tranh về giá cho hàng Việt.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Australia đặt ra tiêu chuẩn chất lượng rất cao đối với hàng hóa và được một loạt quy định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu hàng hóa không đảm bảo đầy đủ các tiêu chí như chất lượng, nhãn mác có lợi cho người tiêu dùng thì ngoài biện pháp bị trả hàng về, doanh nghiệp còn phải chịu mức chi phí đền bù không nhỏ. 

Một minh chứng rõ ràng là lô vải đầu tiên xuất khẩu vào Australia năm 2017 đã bị lưu lại kho hàng, không cho nhập cảnh vì phạm phải những quy định như vẫn còn dính cuống, quả còn bị sâu non, còn vướng lá cây…

Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp muốn khai thác tốt thị trường Australia thì cần hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá thấp. Chú trọng điều kiện thị trường mà Australia đã đặt ra và cố gắng tuân thủ bởi nếu sản phẩm bị giữ lại vì một lý do nào đó, những lô hàng sau đó sẽ bị kiểm soát kỹ hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Anna Le, Giám đốc công ty Green Path, đơn vị nhập khẩu lô nhãn tươi đầu tiên này cho biết, xác định Australia là thị trường đòi hỏi cao, ngay sau khi chính quyền Australia cho phép nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam, công ty đã nỗ lực tìm nguồn hàng để nhanh chóng giới thiệu tới người tiêu dùng Australia loại quả đặc sắc của Việt Nam.

"Lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang Australia là lô nhãn cổ của Hà Nội chín muộn. Đặc điểm là có màu sậm hơn các loại nhãn khác nhưng công ty của chúng tôi muốn giữ được nét tự nhiên của sản phẩm nên không qua xử lý hóa chất cũng như tẩy. Chúng tôi chỉ xử lý để đạt được các yêu cầu của Chính phủ Australia để được nhập khẩu sang Australia". - bà Anna Le cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lối đi nào cho hàng Việt vào Australia?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO