Xuất khẩu lao động đang phục hồi với nhiều tín hiệu tích cực sau COVID-19. Trong 6 tháng, số lao động đi XKLĐ đã đạt 65,72% kế hoạch năm, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất.
Xuất khẩu lao động trong năm 2023 vẫn đang trở thành một xu hướng vì nó giúp người lao động tiếp cận với nguồn thu nhập cao hơn khiến chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình ngày càng được cải thiện.
Nhật Bản tiếp tục "hút" lao động Việt Nam
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc do có thu nhập cao hơn so với cùng công việc tại một số quốc gia khác, đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Ông Phạm Viết Hương - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam – Nhật Bản ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.
Nhiều chương trình, dự án đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai như Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đang phát huy hiệu quả.
>>> Xuất khẩu lao động Việt Nam đang chuyển hướng sang thị trường cao cấp
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, đạt trên 60% kế hoạch năm 2023 (năm 2023, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 110.000 người) gấp hơn 1,55 lần so với 6 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản là cao nhất với 34.508 người; tiếp đến là Đài Loan với 31.538 lao động; Hàn Quốc với 1.608 lao động; Trung Quốc 902 lao động; Singapore 727 lao động và các thị trường khác.
Khi quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển, cơ hội đi làm việc tại Nhật Bản thông qua con đường xuất khẩu lao động càng trở nên thuận lợi hơn. Xét về nhiều góc độ thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản đang là thị trường tiếp nhận lao động tốt nhất hiện nay.
Đặc biệt mới đây, Chính phủ Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề bao gồm chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định và nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.
Tiềm năng lớn từ đơn hàng xây dựng cốp pha
Tại Nhật Bản hiện có tới 85 ngành nghề tuyển dụng thực tập sinh ở 7 khối ngành lớn gồm: Nông nghiệp, điện tử, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may và cơ khí – kim loại, chế biến thủy sản. Nhận định của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, đến năm 2030, Nhật Bản cần thêm 630.000 nhân lực nước ngoài để bổ sung vào lực lượng lao động thiếu hụt.
Trong thời gian tới đây, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động.
Các chuyên gia nhận định, trên thị trường lao động quốc tế hiện nay, vì thiếu nhân lực, các quốc gia như Nhật Bản có chính sách cởi mở hơn nhưng vẫn đưa ra yêu cầu đối với lao động nhập cảnh, đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ...
Cụ thể, theo các đơn vị tuyển dụng thì Nhật Bản đưa ra chính sách cũng như yêu cầu về lao động của các nước phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo tương đối phù hợp với quy chuẩn nước họ.
Khảo sát của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho thấy, hiện nay tại Nhật Bản đang rất cần một lực lượng lớn đến làm xây dựng, đặc biệt là làm cốp pha xây dựng. Chính vì thế các đơn hàng xây dựng liên quan đến cốp pha liên tục được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn.
Nghề cốp pha là thuộc trong nhóm ngành xây dựng đặc thù tại Nhật Bản. Đây là công việc yêu cầu các lao động thực hiện các công việc liên quan tới lắp đặt và tháo dỡ cốp pha, việc lắp đặt cốt pha ở Nhật Bản yêu cầu sự tỉ mỉ và chính xác.
Lý giải về nguyên nhân nghề cốp pha ngày càng phát triển tại Nhật Bản, ông Shikano - Giám đốc Hiệp hội ngành nghề cốp pha tại Nhật Bản cho biết, đặc thù của Nhật Bản là một đất nước có rất nhiều động đất xảy ra, nên với ngành xây dựng phải đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn để đảm bảo cho những công trình ít bị bị ảnh hưởng nhất bởi những trận động đất.
Do đó, trong ngành xây dựng, mỗi một công trình có rất nhiều công đoạn khác nhau, nhiều bộ phận khác nhau cùng kết hợp để tạo ra những công trình, những sản phẩm hoàn thiện, không chỉ cốp pha, còn buộc thép, giàn giáo hay là trát, hoàn thiện, rất nhiều bộ phận phối kết hợp với nhau để hoàn thiện một công trình.
Theo ông Takaishi - Giảng viên đào tạo nghề cốp pha tại Trung tâm Sankyuu (Công ty CP Thương mại và Phát triển Quốc tế - IPM), kỹ thuật ở Nhật Bản liên quan tới các công trình xây dựng hay mọi ngành nghề khác đều rất khó với những tiêu chuẩn cao. Do đó, điều các ứng viên cần quan tâm là khi tham gia các công trình đó, các bạn phải tuyệt đối không được để xảy ra tai nạn lao động, hay các chấn thương liên quan.
"Trước khi sang Nhật Bản, chúng tôi thường cố gắng làm sao để người lao động hiểu được vì sao phải tuân theo chỉ dẫn lao động tại công trường, để không gặp phải nguy hiểm khi lao động đồng thời mục đích cuối cùng là để các bạn có hành trang tốt nhất mang tới Nhật Bản", ông Takaishi nói.
Một số cựu thực tập sinh tại Nhật Bản chia sẻ, so với các đơn hàng khác, công việc của nghề cốp pha sẽ có phần vất vả hơn do đặc tính công việc làm tại các công trình xây dựng. Nhưng không phải vì thế mà các đơn hàng mộc cốp pha kém hấp dẫn với các lao động Việt Nam bởi nhu cầu tuyển dụng của ngành này rất lớn.
Bên cạnh đó, đối với những đơn hàng này thường có chi phí phù hợp kèm theo nhiều chính sách ưu đãi, công việc đảm bảo và mang tới mức thu nhập khá cao. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để lao động Việt Nam học hỏi và tiếp thu các kỹ thuật mới nhằm nâng cao tay nghề trong lĩnh vực xây dựng.
Có thể bạn quan tâm
01:03, 05/03/2023
16:06, 16/08/2022
13:03, 23/02/2020