Doanh nghiệp

Xuất khẩu rau quả và mục tiêu 10 tỷ USD: Bằng bệ đỡ “xanh hoá”

Thy Hằng 01/01/2025 02:40

Từ con số 3 tỉ USD năm 2022 lên năm 202, với xu hướng tăng này, tương lai rau quả có mang về 10 tỉ USD sánh ngang thủy sản?

sau-rieng2.jpg
Xuất khẩu sầu riêng năm 2024 dự báo sẽ đạt 3,2-3,4 tỷ USD.

Để “xanh hóa” chuỗi giá trị ngành rau quả, cần sự tiên phong của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi trong canh tác, chế biến và xuất khẩu.

Các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Kinh tế tuần hoàn là mục tiêu phát triển trong tương lai gần mà các doanh nghiệp ngành rau quả nói riêng và doanh nghiệp nông nghiệp nói chung cần phải đạt được.

Bước đầu con đường “xanh hoá”

“Hầu như, các thị trường đều đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải có chứng nhận hữu cơ cho vùng nguyên liệu và nhà máy. Chứng nhận hữu cơ như giấy thông hành để sản phẩm dừa vươn ra thị trường thế giới. Đây là chìa khóa mở cửa “phát triển bền vững” mà tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn đạt được”, ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới chia sẻ.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn đã trở thành yêu cầu sống còn và đi kèm theo đó là xu hướng sử dụng các vật liệu phục hồi, năng lượng tái tạo. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu hóa lợi nhuận cũng như tăng khả năng cạnh tranh.

Trên thực tế, xu hướng “xanh hóa” tiêu dùng đang lan rộng ở những thị trường có thu nhập cao, nhằm khuyến khích nhà cung cấp bảo vệ môi trường, có quy trình sản xuất xanh, không được phá rừng, không thải ra chất độc hại, trong đó có vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Nắm bắt yêu cầu này, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) đã phát triển vùng nguyên liệu dừa 20ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế để xuất khẩu thành công đơn hàng 1 tấn mật hoa dừa hữu cơ đầu tiên sang Lebanon.

“Đến tháng 10/2024, đối tác Lebanon quyết định đặt thử đơn hàng đầu tiên là 1 tấn mật ong hữu cơ. Và đến gần cuối tháng 11/2024, đơn hàng chính thức được xuất khẩu. Sản phẩm hữu cơ này được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường Lebanon, nơi mà nông sản thực phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng nhờ xu hướng sống xanh. Để đáp ứng đa dạng thị trường xuất khẩu”, ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Sokfarm nhấn mạnh.

Hướng đi không chỉ của Sokfarm, theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, sản xuất rau quả của Việt Nam gần đây đã dần giảm bớt rất nhiều trong việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Con số xuất khẩu ngày càng tăng cũng nói lên rằng ngành rau quả Việt đang đi vào hướng “xanh hóa”. Người nông dân cũng như doanh nghiệp biết cách để sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, đáp ứng được nhu cầu của thế giới.

Bên cạnh đó, với ngành hàng rau quả Việt thì hiện tượng phá rừng để trồng cây ăn quả hầu như không có nhiều. Điều này cũng phần nào giảm được áp lực từ Quy định chống phá rừng (EUDR) khi XK rau quả vào EU.

Doanh nghiệp đầu chuỗi tiên phong

Tuy nhiên, để “xanh hóa” chuỗi giá trị là bệ đỡ nhằm tăng lực đẩy cho xuất khẩu rau quả, chuyên gia cho rằng còn đang chờ đợi vào khả năng tiên phong của các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi. Theo đó, tiên phong trong canh tác, chế biến và xuất khẩu thông qua đầu tư vào các nông trại, vùng nguyên liệu và nâng cao năng lực của nông dân thực hành canh tác xanh. Nói cách khác, chính các doanh nghiệp xuất khẩu là chủ lực trong chuỗi cung ứng thông qua vai trò giám sát các quy trình xanh, thúc đẩy nông hộ sản xuất xanh theo yêu cầu thị trường.

Trên con đường “xanh hoá” xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng khẳng định, phải phát triển bền vững “đừng để đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Và để làm được, cần sự hợp tác và liên kết cho chiến lược xanh hoá từ nhà nông, hợp tác xã, nhà doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu rau quả và mục tiêu 10 tỷ USD: Bằng bệ đỡ “xanh hoá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO