Chất lượng chưa đảm bảo, giá thành chưa cạnh và chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất được cho là những điểm yếu, khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa "vào" được Nhật Bản.
Nhật Bản vốn được xem là một trong những thị trường hấp dẫn để xuất khẩu các sản phẩm nông sản, tuy nhiên, để xuất khẩu được sang thị trường này doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất và sự cạnh tranh từ các nước khác trong khu vực.
Tìm hiểu về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong mặt hàng nông sản, có thể thấy, chất lượng chính là vấn đề được phía đối tác Nhật Bản quan tâm nhất.
Minh chứng cho điều này có thể kể đến câu chuyện của ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, cho biết, khi ở Việt Nam, ông thường mua sản phẩm xoài Cát Chu của Việt Nam để ăn, tuy nhiên, có khi thì rất ngọt, lúc khác thì rất chua. Đáng chú ý đây cũng là tình trạng mà đơn vị này gặp phải khi nhập sản phẩm nông sản của Việt Nam để đưa sang Nhật Bản hồi tháng 10/2018.
Được biết, độ ngọt của xoài Cát Chu ở mức trung bình là 15, đây cũng là mức ngọt của các loại xoài có nguồn gốc từ Thái Lan hay Philippines, tuy nhiên xoài Việt Nam lại có độ dao dộng ngọt từ 10-20, đây là mức lớn nhiều so với các nước trong khu vực.
Tiếp mạch câu chuyện, ông Yuichiro Shiotani cho biết, chưa kể, khi sản phẩm xoài của Việt Nam đã vào được thị trường Nhật Bản, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng thì giá thành vẫn cao hơn so với các loại sản phẩm xoài khác trong siêu thị. Ví dụ, nếu như sản phẩm xoài có nguồn gốc từ Thái Lan chỉ có 96 cent/kg, thì xoài Việt Nam có giá 2,3 USD/kg. Điều này đã cho thấy mức độ cạnh tranh có sự khác biệt như thế nào?
Không chỉ sản phẩm nông sản, một doanh nghiệp khác của Việt Nam khi cung cấp sản phẩm bao bì giấy cho doanh nghiệp Nhật Bản đã “đi cả” lô hàng vì quy trình sản xuất chưa đảm bảo.
Cụ thể, một đối tác Nhật Bản đã đồng ý về giá cả, mẫu mã của đơn hàng cung cấp túi giấy trong ngành thực phẩm do công ty Việt Nam thực hiện. Đến khi đối tác Nhật Bản đến thăm cơ sở sản xuất của công ty Việt Nam thì vô cùng thất vọng vì thấy công nhân ngồi trên sàn đất mất vệ sinh, thậm chí có người còn ngồi trên túi giấy… để làm việc. Đối tác Nhật Bản cho rằng, việc người lao động làm việc trong điều kiện như vậy làm sao có thể đảm bảo được chất lượng của sản phẩm.
Những chi tiết, câu chuyện kể trên có thể thấy, ngay từ những việc đơn giản nhất mang tính tiểu tiết thôi, nếu doanh nghiệp Việt Nam không thể làm tốt, đơn hàng có thể bị tuột khỏi tầm tay.
Hai ví dụ nêu ra trên đây mới chỉ phản ánh một phần nào đó những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải khi muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Có thể, đó là những tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về công nghiệp và nông nghiệp của Nhật Bản rất khắt khe khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa thể đáp ứng được hoặc nhà sản xuất bị gia tăng chi phí sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh về giá cả và dịch vụ đi kèm.
Theo nhận xét của ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương: “Như vậy, kể cả khi tiến hành các công tác xúc tiến thương mại như tìm kiếm khách hàng mới, kết nối giao thương… một cách hiệu quả thì nhiều sản phẩm của Việt Nam cũng chưa sẵn sàng để xuất khẩu vào Nhật Bản”.
Có thể bạn quan tâm
01:55, 02/03/2019
10:32, 01/03/2019
02:04, 28/02/2019
04:49, 26/02/2019
Theo đó, ông Vũ Bá Phú cho rằng, hiện nay hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề phát triển và xúc tiến ở nước ngoài mà phải tính đến cả những thách thức ở trong nước. Chính vì vậy, phải kết hợp giữa công tác xúc tiến ở nước ngoài với việc thúc đẩy định hướng của doanh nghiệp trong nước.
Ông Vũ Bá Phú cũng khẳng định: “Công tác xúc tiến thương mại chỉ có thể thành công khi thực hiện đồng thời tốt việc định hướng được các doanh nghiệp phát triển sản xuất song song với công tác tìm kiếm đối tác thương mại”.
Xuất phát từ những hạn chế vừa chỉ ra, ông Vũ Bá Phú đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp đang tìm hiểu cơ hội để xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Nhật Bản rằng, trước tiên cần nắm vững những ưu đãi do hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam – Nhật Bản cùng tham gia. Ví dụ như VJEPA hay AJCEP, đồng thời, tìm hiểu rõ những ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về thuế đối với sản phẩm mà doanh nghiệp mong muốn “tìm đường” vào thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ông Vũ Bá Phú cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cũng cần có những hiểu biết về các quy định tiêu chuẩn sản phẩm mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cũng như hoạch định kế hoạch sản xuất, từ đó ổn định chất lượng sản phẩm, hạn chế bị trả lại hàng và rút ngắn được thời gian giao dịch.
Ngoài ra, liên quan đến về công tác xúc tiến thương mại, ngoài việc nắm bắt thông tin, tìm hiểu về thị trường, tập quán kinh doanh của người Nhật như đến đúng hẹn, sử dụng danh thiếp, catalogue, để tạo niềm tin từ lần đầu gặp gỡ với các doanh nghiệp Nhật Bản.