Nguồn cung thép từ Trung Quốc dự kiến sẽ sụt giảm trong năm 2024 và 2025 sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu thép.
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) trong 07 tháng đầu năm, tiêu thụ thép trong nước đạt hơn 16,75 triệu tấn, tăng 14,3% svck. Trong đó, thép xây dựng tăng trưởng 15,1% svck, đạt 6,79 triệu tấn cho thấy nhu cầu từ thị trường bất động sản đã tăng trở lại.
Agriseco cho rằng, nhu cầu hồi phục nhờ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng: Năm 2024, dự toán chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách Nhà nước, khoảng hơn 677.000 tỷ đồng và là mức cao trong các năm trở lại đây. Tuy nhiên trong 7 tháng đầu năm 2024, giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 29,75% kế hoạch năm. Do đó, việc giải ngân đầu tư công sẽ được tập trung đẩy mạnh trong những tháng cuối năm và là động lực giúp doanh thu của ngành thép tăng trưởng.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sôi động hơn nhờ các nút thắt về pháp lý và vốn dần được tháo gỡ: Theo đó, trong quý II/2024, nguồn cung bất động sản đã có sự cải thiện. Dự án hoàn thành trong quý đạt 9 dự án với quy mô 5.005 căn, tăng 28,5% so với cùng kỳ; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tăng 6,38% so với cùng kỳ, đạt 50 dự án với quy mô 13.167 căn. Bên cạnh đó, lượng hấp thụ tăng 2,4 lần và nguồn cung tăng gấp 3 lần so với quý trước.
“Các luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 1/1/2025 kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và đẩy mạnh nguồn cung trong thời gian tới”, Agriseco đánh giá.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS cũng đánh giá, sản lượng tiêu thụ nội địa được kỳ vọng tiếp tục đà phục hồi tốt trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam phục hồi tốt với số dự án triển khai duy trì mặt bằng cao cả ở Miền Nam và Miền Bắc; Kỳ vọng trong nửa cuối năm đầu tư công đẩy mạnh tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành.
Theo VCBS, ngành bất động sản nội địa dần phục hồi là bệ đỡ cho nhu cầu ngành vào 2024. Thị trường xây dựng bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể duy trì trong các quý tới. Tuy nhiên, số dự án được cấp phép mới vẫn ở mức rất thấp.
Nhận định về tình hình xuất khẩu thép, Agriseco cho rằng, xuất khẩu tăng trưởng khả quan trong các tháng cuối năm 2024. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam tăng 11,1% so với cùng kỳ, đạt 5,5 tỷ USD với khoảng 7,5 triệu tấn thép tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 là: khu vực EU đạt 2,41 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ; Hoa Kỳ đạt 1,12 triệu tấn, tăng 89,2% so với cùng kỳ; khu vực ASEAN giảm 2% so với cùng kỳ đạt 1,97 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Thép thế giới, năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9% đạt 1.849 triệu tấn, trong đó nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như Asean, châu Âu, Mỹ dự kiến tăng lần lượt là 5,2%, 5,8% và 1,6% so với năm 2023 nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng. Đây sẽ là động lực cho xuất khẩu thép của Việt Nam.
Agriseco cũng cho rằng, ngành thép sẽ hưởng lợi khi áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị nhập khẩu sắt thép của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc là 3,66 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng nhập khẩu đạt hơn 5,7 triệu tấn, tăng 90% so với cùng kỳ; giá nhập khẩu trung bình đạt 642 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ. Nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm và thị trường bất động sản vẫn ảm đạm khiến dư thừa nguồn cung sắt thép.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép có thể được hưởng lợi nếu Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá. Theo đó, Bộ Công Thương đã công bố 02 quyết định điều tra chống bán phá giá chính thức liên quan đến ngành thép, cụ thể: Đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc theo mã AD19 vào ngày 14/06/2024; Thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 26/07/2024 theo mã AD20.
“Bộ Công thương sẽ tiến hành điều tra trong vòng 6 - 8 tháng tiếp theo kể từ ngày ra quyết định điều tra để ra quyết định sơ bộ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và kết luận cuối cùng để áp thuế chính thức trong vòng 12 - 18 tháng. Do đó kỳ vọng biện pháp chống bán phá giátạm thời đối với tôn mạ có thể sẽ được áp dụng vào khoảng cuối năm 2024 và đối với thép HRC được áp dụng vào tháng 2/2025 nếu có đầy đủ các bằng chứng về việc bán phá giá”, Agriseco nhận định.
Các chuyên gia của VCBS cũng cho rằng, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm HRC và tôn mạ tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sớm nhất sẽ có thể được ban hành vào tháng 10 và tháng 11/2024. VCBS đánh giá tác động của chính sách có khả thi và tạo sự ảnh hưởng nhất với sản phẩm HRC, việc áp thuế chống bán phá giá có tác động lớn khi tới 60-70% tiêu thụ của ngành tới từ nhập khẩu.
Ngoài ra, VCBS cho rằng tác động của chính sách chống bán phá giá tới sản phẩm tôn mạ sẽ không nhiều như giai đoạn 2016-2017 do: Tỷ trọng sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc bằng 30% sản lượng tiêu thụ nội địa; Trung Quốc hoàn toàn có thể né thuế bằng cách chuyển khẩu sang các quốc gia lân cận. VCBS cho rằng, tác động sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôn mạ có thể giúp sản lượng nội địa tăng thêm khoảng 10-15% mức hiện tại.