Doanh số xuất khẩu mì của Hàn Quốc xấp xỉ 60% doanh thu của cả thị trường mì Việt Nam 2020. Một chiến tích nữa của nền xuất khẩu văn hóa Hàn.
>>DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Từ chuyện kim chi Hàn Quốc ngẫm việc cà pháo Việt sang Mỹ
Theo thông tin từ hãng thông tấn Yonhap, doanh số xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc trong tháng 3 tăng đến 20%, đạt 71,58 triệu USD. Con số này cũng tăng đáng kể so với 59,62 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm này vượt mức 70 triệu USD/tháng.
Để hình dung con số 70 triệu đô la xuất khẩu mì ăn liền này lớn thế nào, hãy làm vài sự so sánh với thị trường mì ăn liền Việt Nam. Theo số liệu gần đây nhất được Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) đưa ra vào tháng 5/2021, Việt Nam là thị trường tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ ba thế giới với khoảng 7,03 tỷ gói.
Tổng doanh thu trung bình toàn thị trường Việt Nam năm 2020 ước tính là khoảng 2.745 tỷ/tháng. Con số 71,58 triệu USD bằng khoảng tới 60% mức doanh thu trung bình một tháng của cả thị trường tiêu thụ Việt Nam, một thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới. Nếu so sánh với doanh số những hãng sản xuất mì ăn liền hàng đầu Việt Nam thì con số này cao hơn nhiều.
Chẳng hạn so với Tập đoàn Acecook (mì Hảo Hảo), đơn vị sản xuất mì ăn liền đứng đầu Việt Nam, thì doanh số 70 triệu USD/tháng là gấp rưỡi doanh số 1.000 tỷ của hãng này. Hoặc so với Masan, hãng đứng thứ hai, thì doanh số cao gấp đôi (733 tỷ/tháng). Còn so với hãng mì quốc dân Miliket thì gấp đến tận 30 lần.
Theo các chuyên gia quan sát thị trường, xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc tăng mạnh phần lớn nhờ “nền xuất khẩu văn hóa” của Hàn. Hay nói cách khác là nhờ sự phổ biến của những sản phẩm văn hóa như phim ảnh, âm nhạc. Các sản phẩm này giúp quảng bá nhiều nét văn hóa của Hàn Quốc, trong đó có các loại mì cũng không ngoại lệ.
>>Khát vọng “mang văn hoá ẩm thực Đà Nẵng, miền Trung ra thế giới”
Chẳng hạn với sự thành công của bộ phim Ký sinh trùng (Parasite), món mì Chapaguri (mì tương đen Chapagetti trộn với mì cay Neoguri) xuất hiện trong phim đột trở nên nổi tiếng toàn thế giới, thúc đẩy doanh số xuất khẩu mì của Hàn tăng trưởng 2 chữ số.
Tương tự như mì, kim chi Hàn Quốc cũng trở nên nổi tiếng với một chiến dịch quảng bá dài hơi và tốn kém của chính phủ Hàn Quốc. Lần đầu tiên họ đưa kim chi ra mắt bạn bè quốc tế là vào kỳ Thế Vận Hội 1988. Sau đó 20 năm, chính phủ Hàn Quốc lại một lần nữa bỏ ra hàng triệu đô và 3 năm nghiên cứu để chế biến ra món kim chi có thể dùng trên vũ trụ. Phi hành gia Yi So-yeon, người đầu tiên của Hàn Quốc bay vào không gian, đã đem theo món kim chi này và chia sẻ cùng các phi hành gia khác đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Không chỉ là hai sự kiện này, sự phát triển của làn sóng Hallyu từ những năm 2000 đến nay cũng góp phần đưa kim chi vươn xa hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Nói như vậy mới thấy Hàn Quốc đã chịu khó đầu tư vào nền văn hóa của nước mình như thế nào. Đồng thời sự thành công của kim chi hay mì Hàn Quốc chứng minh được văn hóa là một vũ khí lợi hại trong kinh tế. Tuy nhiên muốn nếm được quả ngọt này, các quốc gia phải có chiến lược, dành ra thời gian, công sức và tiền bạc rất lớn.
Có thể bạn quan tâm