Từ đầu đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của các tỉnh phía Bắc đang tăng trưởng tốt. Nhiều doanh nghiệp phấn khởi vì hàng hóa xuất sang Trung Quốc khá thuận lợi.
Theo số liệu tổng hợp từ ngành công thương tỉnh Lào Cai, tổng giá trị xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ đầu năm đến nay ước đạt gần 2 tỷ USD, bằng 164,2% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng máy móc thiết bị, than cốc, sắt thép, hàng bách hóa tiêu dùng, sầu riêng và các sản phẩm từ gỗ đều tăng so với cùng kỳ 2023.
Ông Phạm Văn Phúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, cho biết những tháng đầu năm 2024, phía Trung Quốc đã mở cửa bình thường, hoạt động thương mại hàng hóa được khôi phục tốt hơn trước. Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, trung bình mỗi ngày xử lý thông quan cho khoảng 370 xe/ngày. Trong đó, xe xuất khẩu 180 xe/ngày, nhập khẩu 190 xe/ngày.
Hiện có tổng số khoảng 515 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, tăng 22,6% so với năm 2023. Số tờ khai thực hiện qua hải quan điện tử là 36.754 tờ khai; trong đó xuất khẩu có 17.028 tờ khai.
Các mặt hàng XNK chủ yếu vẫn là: gỗ ván bóc, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn. Nhập khẩu chủ yếu là hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện. Cơ bản hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thông quan nhanh chóng, nhất là các mặt hàng nông sản.
Tại Cửa khẩu Quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan duy trì với 6 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày. Hàng hóa thông quan tại cửa khẩu đường sắt chủ yếu hàng lưu huỳnh quá cảnh và quặng sắt tái xuất. Thu ngân sách nhà nước qua cửa khẩu Lào Cai trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 381,4 tỷ đồng, tăng 66,5% so với năm 2023.
Tại Lạng Sơn, hoạt động kinh tế tại các cửa khẩu cũng tiếp tục sôi động. Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lũy kế đến giữa tháng 7/2024 đạt trên 26.059 triệu USD.
Cụ thể, tổng kim ngạch XNK mở tờ khai tại các chi cục hải quan tỉnh Lạng Sơn 6 tháng đầu năm ước đạt 2,7 tỷ USD tăng 20,8% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD tăng 3,3% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,4 tỷ USD tăng 43,1% so cùng kỳ.
Hoạt động XNK tiếp tục được duy trì ổn định tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa. Hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm xuất khẩu nông sản, trái cây. Lượng phương tiện chở hàng hóa trung bình đạt 1.200 xe/ngày (cao điểm gần 1.400 xe/ngày). Trong đó, xuất khẩu khoảng 350 xe (hơn 80% là hàng nông sản, trái cây), nhập khẩu khoảng 850 xe. Năng lực thông quan tại cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng đạt khoảng 35 toa/ngày (xuất 15 toa/ngày, nhập 20 toa/ngày).
Được biết, UBND tỉnh Lạng Sơn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng tích cực đôn đốc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án ngoài ngân sách khu vực cửa khẩu.
Tại Móng Cái, hoạt động giao thương biên mậu, du lịch cũng tiếp tục sôi động, khởi sắc. Kim ngạch XNK 6 tháng đầu năm trên địa bàn Móng Cái đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 17,85% so với cùng kỳ. Bà Trần Bích Ngọc - Trưởng Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết: Từ đầu năm đến nay hoạt động giao thương biên mậu trên địa bàn Móng Cái cũng luôn được đặc biệt quan tâm duy trì ổn định, tạo động lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực XNK.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Móng Cái có gần 300 doanh nghiệp thành lập mới, thu hút thêm 178 doanh nghiệp XNK. nâng tổng số lên 878 doanh nghiệp làm thủ tục XNK, tăng 190 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái cũng rất tích cực vận động các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có trụ sở ở tỉnh ngoài mở chi nhánh trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo huyện Bình Liêu (Quảng Ninh): Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch XNK của Bình Liêu đạt gần 70 triệu USD, bằng 66,28% kế hoạch năm, tăng 46,07% so cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông, lâm sản khô; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng nội thất, phụ tùng ô tô, hàng tiêu dùng...Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi kinh tế cửa khẩu và hứa hẹn khởi sắc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm sau sự kiện công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) vào cuối tháng 6 vừa qua.
Theo báo cáo của Ban quản lý Cửa khẩu Hoành Mô: Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm thường xuyên có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động thương mại XNK qua cửa khẩu Hoành Mô. Tổng kim ngạch XNK qua cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung trung bình đạt khoảng 80 triệu USD/năm, góp phần rất lớn vào thu ngân sách của Bình Liêu và giải quyết việc làm, phát triển dịch vụ trên địa bàn. Thông qua hoạt động kinh tế tại cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung, quan hệ hợp tác thương mại biên giới giữa huyện Bình Liêu với khu Phòng Thành (Trung Quốc) được duy trì và phát triển vững chắc.
Để tiếp tục phát huy thế mạnh, lợi thế của KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện Bình Liêu tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của KKT cửa khẩu, nhằm tạo môi trường thông thoáng, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh XNK.
Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đối với dự án Khu kho bãi hàng hóa tại cửa khẩu Hoành Mô có tổng quy mô diện tích hơn 6,5ha, công suất dự kiến tiếp nhận 5-10 triệu tấn hàng hóa/năm và Khu trung tâm logistic tại KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn với quy mô trên 17ha, đáp ứng lưu lượng 400-450 xe ô tô chở hàng hóa XNK làm thủ tục tại cửa khẩu Hoành Mô. Đến nay, dự án Khu kho bãi hàng hóa tại cửa khẩu Hoành Mô đã hoàn thành công tác GPMB và đang tiến hành các thủ tục xây dựng.
Ông La Đức Toàn - Phó Trưởng Ban phụ trách BQL Cửa khẩu Hoành Mô, cho biết: Trong những năm qua, phía Trung Quốc đã dành nguồn lực lớn đầu tư cho phát triển kinh tế cửa khẩu, cũng như địa phương giáp biên giới. Vì vậy, việc công nhận cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn thu hút các doanh nghiệp trong hoạt động XNK, phát triển các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ và triển vọng để mở rộng giao lưu văn hóa, xã hội.
Hiện tại, khu vực cửa khẩu tích cực phối hợp với các ngành hải quan, BĐBP, cơ quan kiểm dịch y tế bố trí nhân lực có chuyên môn tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện hoạt động XNC bằng hộ chiếu đối với công dân 2 nước trong thời gian tới đây. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương trong việc đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy hiệu quả hoạt động XNK qua cửa khẩu.