Sau khi bị Youtube cắt hợp tác, Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) vẫn chưa thể tìm lại tương lai tương sáng dù đã tái cấu trúc.
Trong khi chưa giải được hạn trong kinh doanh để vực dậy doanh nghiệp, thì đối tác chiến lược lại đột ngột thoái vốn, khiến YEG hụt hẫng.
YEG đã từng ở đỉnh huy hoàng của thị trường chứng khoán khi đạt mức trên 320.000đ/cp vào năm 2018. Thế nhưng, thị giá hiện nay của YEG ngược chiều với hầu hết mọi cổ phiếu lẫn VN-Index, đã về mức chỉ còn quanh 20.080đ/cp.
Đáng ngại hơn, YEG đã lên kế hoạch bán vốn tại một loạt công ty con, nhưng với thị giá cổ phiếu mẹ “bốc hơi” mạnh mẽ, kế hoạch này có thể bị phá sản hoặc tiền thu về sẽ không còn được bao nhiêu. Điển hình vào 23/6/2021, Công ty CP Giải trí Rồng- công ty con của YEG đã thực hiện ký kết Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Yeah1 Network PTE.LTD cho một công ty được thành lập tại Singapore. Theo đó, Yeah1 Network PTE.LTD đã không còn là công ty gián tiếp của YEG và các công ty hiện đang có phần vốn góp của Yeah1 Network PTE.LTD, gồm: Springme Pte.Ltd; Yeah1 Network Hong Kong Limited; Something Big Pte.Ltd; Thoughtful Network Pte.Ltd; ScaleLab Pte.Ltd. Giá trị khoản chuyển nhượng không được công bố nhưng giới chuyên môn đánh giá, do mục tiêu thoái vốn để tái cơ cấu, YEG có thể đã bị rơi vào thế bị ép giá.
265 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của YEG tính đến cuối quý 1/2021, trong đó quý 1 lỗ ròng 52,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, YEG cũng vừa lên kế hoạch chuyển nhượng 1,25 triệu cổ phần tại Yeah1 Edigital. Cổ phần chào bán là cổ phần phổ thông, tự do chuyển nhượng, phương thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đại lý phân phối. Giá bán theo YEG sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách 15.497 đồng/cp (theo BCTC kiểm toán 2020). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Ở thời điểm lên kế hoạch, giá YEG vẫn còn cầm cự ở mức khá hơn ngưỡng hiện tại. Nếu YEG tiếp tục không tìm thấy đáy thì để đạt IPO Yeah1 Edigital, có thể giá bán cũng sẽ phải được tính toán lại.
“Sao quả tạ” lại giáng xuống YEG lúc này khi cổ đông đối tác chiến lược quyết định thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Theo đó, mới khoảng hơn nửa năm là cổ đông với đầy hào khí kỳ vọng thể hiện qua động thái rót cả trăm tỷ đồng mua vốn YEG, bà Trần Lê Uyên Phương, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát đã đăng kí thoái vốn khỏi YEG, đưa tỷ lệ nắm giữ từ hơn 21,6% xuống còn 8,8%.
Câu hỏi đặt ra đằng sau động thái thoái vốn của bà Trần Lê Uyên Phương là phải chăng, Tân Hiệp Phát đã khó nhìn thấy kế hoạch đồng hành với YEG trong kỳ vọng ban đầu? Bởi cần nhớ khi rót vốn vào đây, bà Phương không phải đầu tư tài chính vì việc thoái vốn dưới giá mua đã khẳng định điều đó.
Kế hoạch hợp tác ban đầu của 2 bên, trước đó được công bố, kỳ vọng tạo hiệu ứng cho cả hai bên trên cơ sở phát triển nền tảng thương mại điện tử Giga1. Nếu dự án này hiệu quả, hẳn Tân Hiệp Phát đã không chọn rời đi sớm?
Vì vậy, đã và đang có những hoài nghi về triển vọng của nền tảng- hệ sinh thái bán hàng- phân phối- truyền thông Giga1 và các doanh nghiệp sản xuất mà YEG kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong thị trường tiêu dùng trong thời gian tới. Công ty này thậm chí còn đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng chủ yếu dựa vào Giga1.
Hẳn sau “hạn” ký sinh trên các nền tảng lớn quốc tế, YEG vẫn chưa giải được “hạn” trong kinh doanh, hoặc chưa tìm được lời giải tái cấu trúc để vực dậy doanh nghiệp đúng nghĩa.
Có thể bạn quan tâm