Yên Bái quyết xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng

Diendandoanhnghiep.vn Nằm trong nhóm các tỉnh chất lượng điều hành khá, môi trường đầu tư kinh doanh của Yên Bái đang bừng sáng. Song chưa bằng lòng với kết quả này, Yên Bái quyết tâm tạo bước nhảy đột phá năm 2020.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái cùng ông Đỗ Đức Duy, P. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và Ban Lãnh đạo tỉnh, các sở , ban, ngành đi thực tế tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Yên Bái

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái và ông Đỗ Đức Duy, P. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng Ban Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái đi kiểm tra thực tế tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) cho thấy, năm 2019 Yên Bái xếp thứ hạng 36/63 tỉnh. Thứ hạng này tăng 06 bậc so với năm 2018 (42) và 15 bậc so với năm 2015 (51). Đối với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Yên Bái đứng ở nhóm đầu 5/14 và tăng 01 bậc so với năm 2018.

Bức tranh đa sắc màu

Ông Nguyễn Minh Toàn, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái nhìn nhận, điều này cho thấy, tỉnh đã có nhiều sự cải thiện về điểm số (+2,76) và tăng ấn tượng về thứ hạng. Đây là sự phản ánh những nỗ lực mạnh mẽ trong công tác điều hành của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thời gian qua.

Năm 2019, tỉnh Yên Bái có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018 gồm các chỉ số: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Có duy nhất chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp bằng điểm năm 2018.

Điểm đáng ghi nhận, chỉ số gia nhập thị trường của Yên Bái tăng 15 bậc từ vị trí 25/63 năm 2018 lên vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố năm 2019. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (từ cấp sở và UBND cấp huyện) là 6 ngày. Thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trung bình tại Yên Bái là 5 ngày. Năm 2019 có 44% doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua phương thức mới (trực tuyến, Trung tâm hành chính công, bưu điện), trong khi năm 2018 chỉ là 9% - có thể thấy chỉ số cấu thành này đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, 74% doanh nghiệp đánh giá về cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu chuyên môn; 80% đánh giá cán bộ nhiệt tình, thân thiện…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ mất 17,5 ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2018 là 60 ngày). Doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh. 32% doanh nghiệp đánh giá thực hiện các TTHC về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục (năm 2018 là 36%). Có 80% doanh nghiệp nhận định sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường (năm 2018 là 76%). Tuy nhiên, đánh giá một cách thẳng thắn, Ban chỉ đạo PCI cho rằng, đây là một chỉ số có nhiều hạn chế, yếu kém trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Do đó cần phải có sự nỗ lực cải thiện, khắc phục rất nhiều của ngành TN&MT cùng các cấp chính quyền.

Mặt khác, vẫn còn 8% doanh nghiệp cho biết bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm. 9% đánh giá nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp. Qua kết quả khảo sát năm 2019 vẫn có 10% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức. “Điều này cho thấy việc các doanh nghiệp phải chi cho các mối quan hệ, các chi phí ngoài quy định là không thấp (năm 2018 là 9,7%)”, ông nhấn mạnh.

Cụ thể, 47% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện TTHC đất đai (cao hơn tỷ lệ trung vị 11%). Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra lên tới 48%.

Đáng quan ngại hơn, vẫn có 41% doanh nghiệp cho rằng chính quyền vẫn ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp dân doanh và vẫn ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân. 32% doanh nghiệp nhận định doanh nghiệp FDI thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai.

Cũng theo kết quả khảo sát, 79% doanh nghiệp nhận định UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh. 85% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan nhà nước tỉnh. “Đây cũng là chỉ số có số điểm và thứ hạng tăng cao (+0,98 điểm, +16 bậc). Điều này phản ánh trách nhiệm, nỗ lực và sáng tạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương trong vận dụng cơ chế chính sách, giải quyết tháo gỡ kịp thời những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư mang lại sự hài lòng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế cần được phát huy tích cực trong các năm tiếp theo”, ông Toàn nói rõ.

Tiếp tục tạo sự đột phá

Nhận định về vấn đề này, ông Toàn cho rằng, mặc dù năng lực điều hành ở mức khá, tuy nhiên điểm số của 10 chỉ số thành phần ở mức khá trên 7 điểm số lượng còn ít (có 02/10 chỉ số). Yên Bái vẫn đứng sau các tỉnh: Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ và Tuyên Quang.

Nhìn nhận từ kết quả khảo sát cho thấy, nguyên nhân do các dịch vụ tại tỉnh chưa được doanh nghiệp tìm đến và chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp trong năm 2019 là 0,26%, tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư nhân và FDI trên tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là 33%, tỷ lệ doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại thấp chỉ 11%.

Ngoài ra, có 05 chỉ số tuy tăng về điểm số nhưng lại giảm về thứ bậc đó là: chi phí tiếp cận đất đai, chi phí tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí đào tạo lao động và chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Ông Toàn cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Yên Bái. Đó là, một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục dạy nghề tại tỉnh chưa cao. Trang thông tin điện tử của một số sở, ngành, địa phương điểm số về độ mở và chất lượng chưa cao, chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin, chính sách để doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt.

“Do đó, để tiếp tục tạo sự đột phá, cải thiện vị trí xếp hạng PCI năm 2020, tỉnh cần phải chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế đối với từng chỉ số cấu thành, đồng thời xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh”, ông Toàn khẳng định.

Qua kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Yên Bái năm 2019, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng TM&CN Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao các Chỉ số PCI trong bảng xếp hạng của Yên Bái trước sự nỗ lực ganh đua cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI các tỉnh thành. Bởi theo ông Phòng trước đây các tỉnh thành chưa coi trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh PCI nhưng những năm gần đây, hầu hết 63 tỉnh thành đã đưa việc nâng cao năng lực cạnh tranh vào Nghị quyết. Đặc biệt, dư địa phát triển cải thiện các chỉ số PCI của Yên Bái còn rất nhiều, vì nhìn vào điểm các chỉ số của tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI là Quảng Ninh so với điểm các chỉ số của Yên Bái chênh nhau không quá nhiều.

“Việc Yên Bái thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại theo chủ đề, lĩnh vực với các doanh nghiệp nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thể hiện tinh thần phục vụ rất đáng biểu dương. Sự phục vụ này được minh chứng thực tế nhất là việc doanh nghiệp “cho điểm” chính quyền tỉnh Yên Bái thông qua phiếu khảo sát PCI; DDCI…” ông Phòng nói.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, Yên Bái vẫn còn chỉ số có mức điểm thấp là Chi phí không chính thức với 5,77 điểm (xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố). Kết quả khảo sát VCCI cũng cho thấy có 05 chỉ số tuy tăng về điểm số nhưng lại giảm về thứ bậc đó là: Chi phí tiếp cận đất đai, chi phí tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí đào tạo lao động và chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đáng chú ý nhất, doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tương đối khó khăn và thuộc nhóm những tỉnh có thủ tục đất đai thấp của cả nước (vị trí 59/63).

Để tiếp tục tạo sự đột phá, cải thiện vị trí xếp hạng PCI năm 2020, tỉnh cần phải chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế đối với từng chỉ số cấu thành, đồng thời xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Các cấp chính quyền tỉnh cần đẩy mạnh việc hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp, tháo gỡ những điểm ngẽn còn tồn tại vướng mắc nhằm tạo môi trường thông thoáng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đên với Yên Bái lập thân lập nghiệp.

“VCCI sẽ sát cánh cùng tỉnh hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, nhất là việc đạo tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp” ông Phòng khẳng định. 

Cùng quan điểm trên, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất, Yên Bái cũng như các địa phương nên tập trung khâu thực thi, vì theo TS. Hiếu, khi thực thi nhanh hơn và bớt rủi ro hơn. Hơn thế nữa, cơ quan thanh tra các tỉnh, không nên lấy số vụ thanh tra để báo cáo làm thành tích mà nên căn cứ những lần hỗ trợ doanh nghiệp… Cùng với đó, việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết vụ việc không cứ phải thực hiện theo quy định 3 ngày, những hồ sơ chuẩn có thể giải quyết ngay trong ngày. Mặt khác, Yên Bái chú trọng phát huy sự sáng tạo, bởi sự sáng tạo giúp chính quyền phục vụ doanh nghiệp, đảm bảo sự hài lòng doanh nghiệp, người dân.

ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng TM&CN Việt Nam,

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng TM&CN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2011 - 2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030.

Nhắc lại mục tiêu của tỉnh, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, tỉnh quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.

“Thông qua hội nghị ngày hôm nay, tỉnh bám sát kết quả phân tích, đánh giá để xây dựng kế hoạch hành động của ngành, địa phương về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái năm 2020. Phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung quyết liệt khắc phục những chỉ số thành phần còn hạn chế, chưa được đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp” ông Thắng yêu cầu.

Đặc biệt, tích cực đổi mới, nâng cao tính năng động, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đối với nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại tỉnh. Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ các trở ngại đối với các doanh nghiệp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật.

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái quyết xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713494016 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713494016 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10