“Mặc dù còn là một tỉnh nghèo nhưng Yên Bái đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh..”.
Ông Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2011-2020) công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2011 - 2020; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 – 2030 diễn ra mới đây tại Yên Bái.
Đánh giá về công tác cải cách hành chính, cải thiện đầu tư kinh doanh, ông Duy cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển KT-XH theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015, 2016-2020.
Vì vậy, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh có chuyển biến tích cực, thay đổi căn bản; nhận thức ngày càng sâu sắc hơn quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nền hành chính phục vụ, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển.
“Các cấp chính quyền của tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân và lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là của người đứng đầu” - ông Duy cho hay.
Nhiều nội dung quan trọng được ông Duy đánh giá rất cụ thể sau khi được các sở ngành mổ xẻ, phân tích, đánh giá như vấn đề cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, ông Duy tích đánh giá khá kỹ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Yên Bái.
“Mặc dù còn là một tỉnh nghèo nhưng Yên Bái đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh” - ông Duy chia sẻ.
Ông dẫn chứng, Yên Bái đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư gắn với những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, Yên Bái thường xuyên đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong giải quyết TTHC (đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng), tháo gỡ khó khăn trong quá triển triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Điển hình là trong giai đoạn khó khăn do COVID-19, tỉnh đã tổ chức rất nhiều hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì 03 hội nghị). Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng tháng, hàng tuần chương trình Cà phê doanh nhân, ngày thứ Bảy cùng doanh nghiệp và người dân.
Từ sự đồng hành phục vụ doanh nghiệp người dân của chính quyền tỉnh Yên Bái, “hữu xạ tự nhiên hương” giai đoạn 2011-2020 Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 370 dự án (trong đó có 33 dự án FDI), tổng vốn đầu tư trên 48.100 tỷ đồng và 437 triệu USD. Nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình, dự án lớn, gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn (VinGroup, SunGroup, TH-TrueMilk, Tập đoàn Hoa Sen, Alphanam…).
Qua đó, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2020 ước đạt gần 105.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm. Trong đó: Nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư trên địa bàn, tăng từ 49% năm 2010 lên khoảng 65% năm 2020. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2011-2020 đạt trên 3.433 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng vốn đầu tư trên địa bàn
Những nỗ lực của chính quyền Yên Bái được doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân ghi nhận và đánh giá cao. Minh chứng, năm 2019, Chỉ số CCHC của Yên Bái tăng 08 bậc so với năm 2018, tăng 22 bậc so với năm 2015 và 30 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố). Là năm đầu tiên Yên Bái lọt vào Top 30 tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tăng 06 bậc so với năm 2018 và tăng 15 bậc so với năm 2015, xếp thứ 36/63 tỉnh thành; thứ 5/14 trong nhóm các tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc.
Chỉ số (SIPAS) năm 2019 của tỉnh đứng thứ 19/63 tỉnh thành, với tỷ lệ hài lòng là 86,84%, tăng 7,47% và 28 bậc so với năm 2018, đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch đề ra.
“Bắt mạch" khó khăn để hoá giải
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Duy cho rằng, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh thời gian vừa qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Công tác rà soát đơn giản hóa và cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm, hiệu quả đạt được chưa cao. Công tác phối hợp giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông giữa các cơ quan, đơn vị còn yếu, gây khó khăn, phiền hà, tốn thời gian, chi phí của cho các tổ chức, cá nhân (thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư, đất đai, bảo hiểm...).
Một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chất lượng và hiệu quả xử lý công việc chưa cao. Văn hóa công sở và đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, còn biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, do điều kiện cơ sở vật chất và khả năng công nghệ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp xã còn hạn chế. Người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị, vẫn theo phong cách làm việc theo lối cũ, chậm đổi mới, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả việc hiện đại hóa nền hành chính trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập…
Do đó, ông Duy yêu cầu, các cấp các ngành cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC theo lộ trình. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định, TTHC không còn phù hợp, chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch tất cả các TTHC bằng các hình thức phù hợp.
Đồng thời, phát huy vai trò của hệ thống phục vụ hành chính công các cấp, kết hợp với cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Bố trí đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Mặt khác, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện liên thông giữa các cơ quan trong cùng cấp và các cấp hành chính nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và giải quyết tốt TTHC, cung cấp dịch vụ công, dịch vụ công ích cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến cấp độ 3, 4; Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công, trong đó có cơ chế huy động sự tham gia của công dân, tổ chức và các phương tiện thông tin truyền thông vào theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công. Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính; Thường xuyên kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh…
Ông Duy cũng lưu ý, các sở ngành, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tích cực, chủ động tháo gỡ các trở ngại đối với các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục gia nhập thị trường, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng bình đẳng, công bằng, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và trong nước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
“Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thực sự cần thiết; không thanh tra ngoài kế hoạch, kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"” - ông Duy nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
04:08, 01/08/2020
10:59, 31/07/2020
03:31, 17/05/2020
05:00, 02/05/2020
04:39, 12/06/2020