Chính sách - Quy hoạch

Yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với HoREA giải quyết về bảng giá đất

Phương Uyên 31/08/2024 13:27

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã cho ý kiến về việc Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đề xuất TP HCM xem lại phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT làm việc với HoREA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2024.

img_5245.jpeg
HoREA đề xuất TP HCM xem lại phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh. Ảnh: LV

Trước đó, HoREA đề xuất UBND TP HCM xem lại phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh. Theo HoREA, cách tính giá đất thực tế và đề xuất các mức giá của đơn vị tư vấn với một số tuyến đường ở nhiều quận, huyện tại TP đang lấy giá cũ theo Quyết định 02/2021 nhân với 5-6 lần để ra giá mới không có cơ sở rõ ràng.

Bên cạnh tích hợp các hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), cơ quan soạn thảo còn bổ sung thêm một chỉ số điều chỉnh làm giá đất một số nơi tăng 10-20 lần so với hiện tại.

Điển hình, giá đất quận 1 ở tất cả tuyến đường đều xác định đồng loạt tăng 5 lần so với bảng giá đất cũ, giá đất quận 4 tăng 11,3 lần, quận 5 tăng 5,6 lần (trừ 2 tuyến đường Bãi Sậy và Đặng Thái Thân). Trong khi những huyện vùng ven lại tăng quá cao như huyện Hóc Môn có giá đất điều chỉnh dự kiến tăng 30-50 lần, huyện Bình Chánh tăng 20-30 lần.

Giá đất tại các quận, huyện ngoại thành tăng quá cao đã khiến người dân tại đây muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn và cảm thấy không công bằng khi tỷ lệ tăng vượt mức tăng trung bình 7 lần của toàn TP HCM.

Vì vậy, HoREA đề nghị xây dựng các mức giá đất trong bảng giá dựa trên việc tích hợp bảng giá đất và nhân với hệ số K trong trường hợp cần thiết. Đồng thời bổ sung giá đất của 570 tuyến đường mới để tính tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình tương đương như cách tính tiền sử dụng đất đã áp dụng từ luật Đất đai 2013 để cho người dân yên tâm.

Bảng giá đất mới nên áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại Luật Đất đai 2024. Hiện bảng giá đất tại TP HCM tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Ngày 30/8, Sở TN&MT TP HCM đã có văn bản gửi Bộ TN&MT về việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai số 31/2024/QH15.

việc xây dựng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường là cần thiết. Ảnh: LV
Theo dự thảo, giá đất quận 1 ở tất cả tuyến đường đều xác định đồng loạt tăng 5 lần so với bảng giá đất cũ. Ảnh: LV

Sở TN&MT TP HCM cho biết nếu điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 thì việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc thị trường. Theo đó, bảng giá đất sẽ không còn bị giới hạn bởi khung giá và không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất được ban hành hàng năm để điều chỉnh như Luật Đất đai năm 2013.

Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng UBND TP đã họp và thống nhất chỉ đạo UBND TP giao Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận huyện, TP Thủ Đức và đơn vị tư vấn phân tích bốn phương án điều chỉnh bảng giá đất để trình Ban Thường vụ Thành Ủy xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện.

Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên, không điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT phương án này sẽ có những hạn chế như chênh lệch với giá bồi thường thực tế rất lớn. Đồng thời không phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP HCM và trái với quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai.

Phương án 2, điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020 theo cách lấy giá đất quy định tại Quyết định số 02 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023. Tuy nhiên, phương án này có những hạn chế như giá đất theo Quyết định số 02/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023 thì kết quả vẫn khá thấp so với giá đất thực tế trên địa bàn TP.

Phương án 3, chia làm hai cách thức thực hiện. Thứ nhất là đối với giá đất các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư sẽ thực hiện thu thập thông tin, điều chỉnh theo giá đất thực tế trên thị trường để áp dụng giá đất tái định cư. Thứ hai là đối với giá đất các tuyến đường theo Quyết định số 02/2020 thực hiện theo cách lấy giá đất tại Quyết định số 02 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023.

Theo Sở TN&MT, phương án 3 có hạn chế là đối với giá đất tại các tuyến đường theo bảng giá đất điều chỉnh theo cách nhân với hệ số thì vẫn chênh lệch với giá bồi thường thực tế rất lớn và có những hạn chế như đã nêu tại phương án 2.

Đối với giá đất tại các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư thì phát sinh bất cập do trong một tuyến đường hoặc khu dân cư giáp ranh khu tái định cư sẽ có hai mức giá chênh lệch nhau rất lớn dù điều kiện cơ sở hạ tầng là như nhau.

Phương án 4, cũng là phương án TP HCM đang chọn và đã đưa ra dự thảo. Phương án này điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với HoREA giải quyết về bảng giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO