Bối cảnh hội nhập, môi trường kinh doanh biến đổi rất nhanh đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn với doanh nhân thế hệ mới trong việc chủ động, tích cực nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh.
>>>Nghị quyết 09: Tạo đà cho Nam Định có những con số “ngoạn mục”
Sáng ngày 27/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức toạ đàm “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế”.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Cách đây 11 năm, Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được Bộ Chính trị ban hành đã đề ra quan điểm là “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế” cho thấy Đảng đã nhận thức và đánh giá đúng vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Với mục đích lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến phục vụ xây dựng đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng mong muốn của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý nêu bật vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước ta trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hội nhập. Từ thực tiễn nghiên cứu, quản lý và điều hành trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cần làm, phải làm trong thời gian tới để khẳng định vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân, tạo động lực để đội ngũ doanh nhân phấn đấu, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Làm rõ thêm về vấn đề được đặt ra tại toạ đàm, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập là chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng nền kinh tế không bị lệ thuộc, chi phối, áp đặt từ bên ngoài, tận dụng cơ hội mà hội nhập mang lại. Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với hội nhập trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá cơ cấu ngành hàng, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp, xây dựng khu vực doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Đặc biệt, tăng sức đề kháng, chống chịu và ứng phó của nền kinh tế trước những cú sốc từ môi trường chính trị kinh tế thế giới, nhất là đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ucraine.
Trong bối cảnh mới, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với các FTA đã có hiệu lực, nhất là các FTA thế hệ đi vào giai đoạn cắt giảm thực chất hơn, thị trường được mở rộng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn trên thế giới, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng công bằng hơn, nhất là với doanh nghiệp tư nhân, SME… Để nắm bắt được cơ hội này, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có vị thế, vai trò rất quan trọng.
“Bối cảnh mới đang đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao với doanh nhân” - TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh. Theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, doanh nhân Việt Nam thế hệ mới cần có tầm nhìn toàn cầu và tri thức địa phương; nỗ lực cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị, “bắt kịp” xu hướng hội nhập, sản xuất, quản lý, công nghệ…; có chiến lược đầu tư, liên kết kinh doanh phù hợp, thay đổi phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực…
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: mỗi doanh nhân cần đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hoá; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo, an ninh mạng… để thay đổi mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, thay đổi mô hình quản trị, cách thức điều hành, văn hoá kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo cơ hội và giá trị mới.
Để phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ doanh nhân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đất nước toàn diện, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không chỉ các doanh nhân nỗ lực mà cần sự ủng hộ, đồng hành, kiến tạo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thông qua việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đầu tư và phát triển đất nước, đảm bảo tính công bằng giữa các khối doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; dứt khoát yêu cầu áp dụng chuẩn mực quản trị doanh nghiệp hiện đại được ban hành bởi OECD.
Đặc biệt, áp dụng bộ tiêu chí đạo đức kinh doanh, trong đó VCCI đã đưa ra bộ tiêu chí đạo đức doanh nhân rất quan trọng và cần thiết nhằm bình chọn doanh nhân tiêu biểu và lan toả, nhân rộng những giá trị quý báu giúp xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng vững mạnh về số lượng và chất lượng.
Có thể bạn quan tâm