Doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa coi nhạc Trịnh, tinh thần Trịnh như chính bản ngã mà như ông nói, lúc tuyệt vọng nhất ông vẫn luôn tâm niệm câu thần chú “đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng!”.
“Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này”.
- Là một doanh nhân yêu nhạc Trịnh, liệu ông có lý giải được tình yêu này?
Yêu thì khó lý giải lắm. Nhưng trước khi là doanh nhân, tôi đã là người hát nhạc Trịnh. Hiện tôi có hơn 20 năm và 18 album hát nhạc Trịnh.
Tôi ngẫm ra rằng, giá trị của âm nhạc Trịnh Công Sơn thật ra là “vô chiêu”. Giống như tài sản vô hình vậy, không lên gân, không bác học mà đi vào lòng công chúng bằng sự chinh phục của cảm xúc.
Từ trẻ tôi đã khám phá rất nhiều những bài viết của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi có một giai đoạn rất đẹp khoảng 5 năm trước khi anh Trịnh Công Sơn mất, lúc ấy tôi ở Pháp về làm việc ở Việt Nam cùng với những người bạn sáng tác, làm bài phối cùng hát với anh Sơn. Đây là một giai đoạn vô cùng hạnh phúc.
Ngày ấy anh Trịnh Công Sơn hay nói là: “cuộc đời moa, cái bài tôi ơi đừng tuyệt vọng, tới bây giờ qua vẫn khám phá bài hát của chính mình”. Tôi rất lạ, có người nào mà viết bài hát của mình gần 20 năm trước năm 1975 mà vẫn cứ tiếp tục khám phá ‘một cõi đi về” của chính mình.
- Nhưng đương thời giới trẻ dường như ngày một “quên” nhạc Trịnh?
Đời sống âm nhạc đang thay đổi vô cùng lớn. Giới trẻ giấu nỗi buồn vào các bản rap, khích lệ bản thân bằng những khúc ghi ta… Có rất nhiều bạn bè tôi ở trong giai đoạn này tập hát karaoke tại vì họ bế tắc và buồn.
Riêng tôi vẫn yêu nhạc Trịnh. Giống như trong bản nhạc có dấu lặng, gần đây đời sống âm nhạc cũng vì COVID mà trầm lại, đây là lúc để chiêm nghiệm. Lúc này tôi lại nghe nhiều hơn, nghe rất nhiều dòng nhạc, nhiều cách thể hiện khác nhau. Và tôi phát hiện ra một điều rất lạ: “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn vang vọng trong lúc người ta tuyệt vọng.
Có một câu chuyện về nhạc Trịnh đã thấm đẫm trong đời sống của tôi. Khi ở tuổi thanh niên, mới về nước và gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi và một cô cháu gái của nhạc sĩ hay đọc những lá thư mà độc giả gửi về cho nhạc sĩ vì khi đó ông đã lớn tuổi. Trong đó, tôi nhớ là cô cháu gái có đọc một bức thư hết sức xúc động về bài “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của một người phá sản doanh nghiệp bước lên cầu và chuẩn bị nhảy xuống dòng sông để tự tử.
Trong bức thư gửi về anh ấy nói rằng: tôi còn ở lại thì tất cả nợ nần gia đình tôi không trả được nên phải dùng cái chết để lấy tiền bảo hiểm và để gán nợ.
May cho anh ấy là có chiếc xe taxi đậu ngay cạnh cầu và bạn tài xế trong lúc chờ khách đã mở đài nghe, và vô tình khi người đàn ông bỏ đôi dép bước lên thành cầu thì trên đài phát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của Trịnh Công Sơn.
Thời điểm người đàn ông bỏ dép ra và bước lên thành cầu chuẩn bị nhảy, những ca từ “Tôi là ai... mà yêu quá đời này…”. Người đàn ông nói rằng bài hát đã cứu rỗi mình. Ông ấy suy nghĩ về những đứa con và lên xe về nhà. Khi đi về nhà, việc đầu tiên ông ấy làm là viết thư cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tôi vỡ ra được một điều, giá trị lớn nhất của cuộc sống là tồn tại”.
Gần đây nổi lên hai bạn trẻ là Hoàng Trang và Nguyễn Đông. Trang hát còn ngây ngô nhưng cái lực và tinh thần rất giống Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hồi thập niên 60. Trang làm cho người ta nhớ đến tinh thần bừng bừng của thế kỷ 20 và những bài hát trong chiến tranh, đặc biệt là ca khúc “Ta đã thấy gì trong đêm nay” đã lên triệu views ngay lập tức.
Quan trọng hơn, các bạn ấy bắt đúng hơi thở của thời đại và người ta đang cần tinh thần tươi sáng đó.
- Có người cho rằng nhạc Trịnh là triết lý. Vậy, triết lý trong nhạc Trịnh được ông khám phá ra sao?
Khi tôi hát nhạc Trịnh mọi người thường hay hỏi: anh thích bài hát nào nhất và triết lý âm nhạc nào của Trịnh Công Sơn làm cho anh thay đổi?
Nhạc Trịnh có khoảng 350 bài, nói thật là trong đó ít nhất một nửa là gần 150 bài hay ngang nhau. Rất khó để chọn ra những bài mà mình thích nhất. Có chăng đâu là thông điệp khi nhạc sĩ còn sống. Bài nào mà mình thích nhất là bài trùng với kỷ niệm của mình nhất.
Triết lý âm nhạc Trịnh Công Sơn thật ra rất dễ hiểu, nó chạm tới kỷ niệm của từng con người và hơi thở thời đại của dân tộc. Thế hệ nào nghe nhạc Trịnh Công Sơn cũng thấy mình ở trong đó.
Mỗi người một suy nghĩ nhưng đối với riêng tôi, âm nhạc quan trọng nhất không cần dài nhưng cần giai điệu đẹp. Sở dĩ nhạc Trịnh dễ nhớ và dễ đi vào lòng người như suối nguồn là vì giai điệu cực đẹp. Đối với riêng nhạc Trịnh Công Sơn cả nhạc và thơ đều tuôn ra cùng một lúc, không thể tách lời tách rời nhạc và thơ ra được.
Nói theo ngôn ngữ của quản trị, nhạc Trịnh đã thật sự chạm tới “tần số cảm xúc” của tất cả mọi người.Và tần số cảm xúc vẫn tiếp tục thống trị trong giới trẻ thế kỷ 21 – mà như các bạn thường gọi là thế hệ Z.
Và vì thế, tôi luôn coi Trịnh Công Sơn là một nhà văn hóa chứ không phải một nhạc sĩ.
- Ông là doanh nhân, vốn lý tính, con số, chiến lược, ông sẽ yêu nhạc Trịnh theo cách nào?
Mỗi cá nhân đều “đa diện” và ngay cả tôi cũng vậy. Một giáo sư toán có thể chơi ghita cực hay và hát rất tình cảm, một nhà sư chưa chắc là được phép yêu đương nhưng hát nhạc Trịnh cực hay.
Anh Trịnh Công Sơn là một người tài tử, không phải chuyên nghiệp. Anh Sơn không giỏi nhạc lý, không được đào tạo chính quy, không phải là nhà văn… nhưng đấy là một nhạc sĩ thiên tài.
Đây là những vấn đề mà tôi cho rằng cuộc sống của một doanh nhân với âm nhạc là tài tử. Bây giờ có rất nhiều doanh nhân hát hay và rất nhiều doanh nhân làm album để thỏa mãn kỷ niệm, thỏa mãn tính cách tài tử thì đó một điều rất nên làm.
- Vậy theo ông, doanh nhân nên có cho mình một chút tài tử?
Rất vui là sau khi tôi ra album hay hát ở FPT, các cộng đồng doanh nghiệp… năm 2014, tôi nhận một giải thưởng doanh nhân tài hoa. Khi Phong cách Doanh nhân trao cho tôi giải thưởng đó đã tạo ra một phong trào doanh nhân đi hát, ra đĩa, làm nhạc. Thật ra, doanh nhân hãy tìm kiếm cho mình một đam mê khác ngoài kinh doanh.
Trong nền kinh tế sáng tạo như hiện nay, chắc chắn rằng những sản phẩm thương hiệu mà doanh nghiệp tạo ra, người tiêu dùng không chỉ đơn thuần bằng lòng chỉ với giá trị hữu hình mà bên cạnh đó còn là giá trị vô hình mà nói đúng hơn nó chính là giá trị cảm xúc.
Trong các hội thảo doanh nghiệp tôi luôn đưa ra một thông điệp: kỷ nguyên số đang dịch chuyển vào cá nhân hóa.
Ngày nay, nếu bán một sản phẩm đơn thuần sẽ thất bại mà phải xây dựng một câu chuyện về sản phẩm của mình. Phải trả lời được câu hỏi: “Câu chuyện của bạn là gì?”. Kỷ nguyên số mang lại cho chúng ta vô vàn cơ hội. Chỉ đơn thuần là 0 và 1, như vậy chúng ta sẽ quyết rất nhanh, hiệu quả nhanh nhưng sai cũng rất nhanh.
Bởi thế, chúng ta phải thua thật nhanh để làm lại nhanh không kém
Các bạn sẽ có một “mặt nạ” với xã hội. Nhưng tôi tin trong tim các bạn vẫn ẩn chứa chính bản ngã của mình. Bởi khi đánh mất chính mình, cuộc sống sẽ mất hết niềm tin.
Và nhạc Trịnh là để bạn trở lại, để lắng đọng, để đối diện với chính mình. Như vậy âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn tiếp tục lan tỏa.
Tôi tin rằng nhạc Trịnh tiếp tục đẹp trong lòng của công chúng.
- Cảm ơn ông và chúc cho ông thật sự “đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng – Em hồn nhiên và em mãi bình yên”!
Có thể bạn quan tâm