1 luật sửa 9 luật: Hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp

GIA NGUYỄN 21/02/2022 04:00

Không chỉ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật còn được cho sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp…

>>1 luật sửa 9 luật: Thúc đẩy đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại

Theo đó, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (1 luật sửa 9 luật) đã sửa đổi bổ sung Điều 49, 50, 60, 148 và 158 Luật Doanh nghiệp.

1 luật sửa 9 luật: Hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp - Ảnh minh họa

1 luật sửa 9 luật giúp hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 49 và Điều 50 theo hướng thay cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” thành “thành viên Công ty” để bảo đảm thống nhất với các quy định liên quan của Luật này.

Đồng thời, sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 60 và khoản 2 Điều 158 theo hướng quy định trường hợp chủ toạ, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị đã tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký.

Bổ sung quy định chủ toạ, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp liên đới chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp (khoản 3 Điều 60); biên bản họp ghi rõ việc chủ toạ, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp; người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng quản trị (khoản 2 Điều 158).

>>1 luật sửa 9 luật: Tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

Cùng với đó, nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, khoản 5 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp để quy định báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.

Ngoài ra, để khắc phục vướng mắc trong xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn, khoản 8 Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217.

Cụ thể, căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp Nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 của Luật này nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật đã sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 1, Điều 109 của Luật Doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Thực tế, dù mới được sửa đổi, bổ sung năm 2020, thế nhưng, Luật Doanh nghiệp đã bắt đầu xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập như quy định tại điểm e khoản 2 Điều 60 về Biên bản họp Hội đồng thành viên khi quy định: “Biên bản họp Hội đồng thành viên phải thông qua ngay trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

e. Họ, tên, chữ ký và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp (nếu có);”.

Theo các chuyên gia, quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn, vì người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp thì rất khó để yêu cầu họ ký tên, thực trạng hiện nay cho thấy các thành viên dự họp thường “bỏ về ngang”, không tiếp tục tham gia cho đến khi kết thúc cuộc họp, điều này khiến biên bản thiếu đi nội dung “ký tên, nêu ý kiến”. Tuy nhiên, đây là quy định bắt buộc của luật hiện hành, vô hình chung khiến biên bản dự họp vô hiệu. Chính vì vậy, những sửa đổi bổ sung với quy định này trong 1 luật sửa 9 luật sẽ tạo ra cơ chế bảo vệ doanh nghiệp trong trường hợp này, tránh việc phải tiến hành họp lại nhiều lần, tiết kiệm thời gian và nhân lực.

Hay như điểm c khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp quy định, “báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trong thời hạn 150 kể từ ngày kết thúc năm tài chính…”.

Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, báo cáo tài chính giữa năm không phải là không cần thiết, bởi đây là sự kiểm tra, thực thi cơ chế rà soát của Nhà nước đối với doanh nghiệp, là một nghĩa vụ chung của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi bắt buộc các báo cáo tài chính phải được kiểm toán tại tổ chức kiểm toán độc lập sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Theo Luật sư Hiệp, quy định này không chỉ mang lại những gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, mà còn bất hợp lý đối với những doanh nghiệp hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận, công ích vì nó không thực sự cần thiết. Và việc cào bằng giữa doanh nghiệp Nhà nước và các chủ thể kinh doanh khác trên thị trường là chưa phù hợp.

“Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật sửa đổi theo hướng: Công ty phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của Công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo và tóm tắt tài chính giữa năm, đã lược bỏ hoàn toàn yêu cầu “phải được kiểm toán tại tổ chức kiểm toán độc lập” là phù hợp và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp”, Luật sư Hiệp đánh giá.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật lần này không chỉ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn mà còn giúp hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • 1 luật sửa 9 luật: Thúc đẩy đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại

    1 luật sửa 9 luật: Thúc đẩy đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại

    04:10, 20/02/2022

  • 1 luật sửa 9 luật: Tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

    1 luật sửa 9 luật: Tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

    04:50, 19/02/2022

  • 1 luật sửa 9 luật: Thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải

    1 luật sửa 9 luật: Thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải

    05:50, 18/02/2022

  • 1 luật sửa 9 luật: Tiền lệ tốt cho cải cách thể chế

    1 luật sửa 9 luật: Tiền lệ tốt cho cải cách thể chế

    03:30, 18/02/2022

  • 1 luật sửa 9 luật: Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA

    1 luật sửa 9 luật: Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA

    04:00, 17/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
1 luật sửa 9 luật: Hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO