Việc Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường, 1 luật sửa 9 luật đã đặt ra tiền lệ tốt về việc xem xét và xử lý kịp thời vướng mắc thể chế ở các cấp, dù thuộc thẩm quyền của Quốc hội hay Chính phủ.
>>1 luật sửa 9 luật tác động ra sao đến thị trường bất động sản?
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ cam kết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, dù ở bất kể cấp nào, lúc nào.
Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật mang lại hai ý nghĩa to lớn.
Thứ nhất, mục tiêu dự án luật này là kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua đã trực tiếp tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc như vấn đề từ phân cấp phân quyền; những “nút thắt” giữa luật này với luật kia; giải quyết câu chuyện luật chưa rõ ràng, chưa hợp lý, chưa cụ thể... nhằm giải quyết được những vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Thứ hai, hiệu quả về mặt cải cách thể chế, về phương thức cải cách, cách làm. Có thể thấy, giai đoạn gần đây, Chính phủ đã rất nỗ lực về cải cách thể chế, sử dụng nhiều cách thức tương tự như: một Nghị định sửa nhiều Nghị định rồi bãi bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh, quy định,... Nhưng phần lớn cách thức cải cách thể chế này mới tập trung chủ yếu ở tầm Chính phủ, lần này là lần đầu tiên phương thức cải cách thể chế được thực hiện thành công ở cấp độ cao hơn là Quốc hội.
Về nguyên tắc, Luật sửa đổi bổ sung 9 luật chỉ sửa đổi, bổ sung những điểm còn vướng mắc, bất cập lớn mà chúng ta phát hiện thời gian qua đã chín, không thể không sửa để khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo.
Luật được thông qua tại kỳ họp bất thường, nhưng trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, là các bộ quản lý 4 lĩnh vực lớn trong Luật đã đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát hiện các khó khăn, vướng mắc. Các chính sách lớn đều đã được các bộ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ. Trước khi báo cáo Chính phủ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp đều thẩm định cụ thể, chi tiết.
Bên cạnh những ý nghĩa to lớn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật còn giải quyết được những yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, Điều 23 của Luật Nhà ở sửa đổi, đã tháo gỡ được vướng mắc về thủ tục kiểu “con gà quả trứng” khiến nhiều dự án bị ách tắc.
“Trong khi Luật Nhà ở cũ yêu cầu, muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì đất đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng khi nhà đầu tư muốn chuyển đổi mục đích sử dụng thì lại được yêu cầu phải có dự án đầu tư. Thì Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã quy định, đất dự án chỉ cần phù hợp quy hoạch được chấp thuận, đã giải quyết được bất cập nêu trên”, Luật sư Hiệp phân tích.
Hay như, Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định: “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”. Trong khi, khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực quy định: “Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực”. “Việc sửa đổi này không chỉ giúp mở cửa thị trường điện, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh điện”, Luật sư Hiệp đánh giá.
Ngoài ra, theo Luật sư Hiệp, đặc biệt, nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, Khoản 5 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp để quy định báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cũng khuyến nghị: Kỹ thuật lập pháp dùng 1 luật sửa nhiều luật chỉ nên được áp dụng trong một số trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thị đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022