Vay của Ba Lan 750 triệu USD để mua thiết bị, đã mang về nhưng nằm đắp chiếu trong các container từ nhiều năm qua. Nhiều khả năng, số phận những thiết bị hàng tỷ đồng đó chỉ bán làm… sắt vụn.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, dự án bể thử mô hình tàu thủy có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ, được phôi thai từ những năm 2000. Nhưng sau hơn 10 năm khởi công rồi “đổi chủ”, dự án vẫn dang dở.
Lãng phí lớn?
Không những trễ tiến độ, dự án này còn là một sự lãng phí rất lớn. Chỉ tính riêng việc điều chỉnh địa điểm dự án từ khu công nghiệp cao Hòa Lạc về Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã gây lãng phí 17 tỷ đồng. Do tại vị trí cũ đã đầu tư một số kết cấu hạ tầng, đến khi chuyển đến vị trí mới nhưng không thể tái sử dụng.
Trao đổi với DĐDN, ông Đỗ Thái Bình – một chuyên gia về lĩnh vực đóng tàu và hàng hải cho biết, đến thời điểm này bể thử đang “vứt đi” chứ không có một tương lai nào cho nó. Người ta chỉ đang dùng nó để… câu giờ. Mặc dù vậy, ông Bình vẫn khẳng định bể thử là một công cụ rất cần cho quốc gia nếu muốn có một ngành đóng tàu phát triển. Nhưng bể như thế nào, thực hiện như thế nào mới là vấn đề?
“Tôi cho rằng, những vấn đề này không phải là nhiệm vụ của một tập đoàn (trước là Vinashin, sau này là trường ĐH Hàng hải Việt Nam) mà là nhiệm vụ của quốc gia, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm… Nhưng thực tế, dự án lại đang được khoán trắng cho trường ĐH Hàng hải và trường thì chỉ biết xây dựng theo bản vẽ thiết kế, bể dài bao nhiêu hay chỉ đào đắp thì quá đơn giản. Phải nhìn toàn cảnh, trường chỉ có thể xây dựng cơ bản, sau đó ai sẽ lắp đặt, ai sẽ dùng cái bể thử đó trong tương lai, cái bể này sẽ ra sao trong thời gian sắp tới? Nó sẽ chẳng đi đến đâu cả!” - ông Bình nhấn mạnh.
Từ yếu kém đến sai phạm
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc nhập khẩu thiết bị từ năm 2013 kéo dài đến năm 2017 vẫn chưa bàn giao lắp đặt vào công trình, dẫn đến chi phí phải trả lãi vay 0,5%/năm, tương đương 55.000 EUR/năm. Khoản lãng phí này chưa tình đến 850.000 EUR mà chủ đầu tư có thể phải trả cho đối tác Ba Lan do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và gần 2 triệu EUR để đánh giá mức độ hư hỏng và sửa chữa khắc phục lô thiết bị đã nằm quá lâu trong container mà không được bảo dưỡng phù hợp.
Nói về vấn đề này, ông Đỗ Thái Bình cho biết, trong mấy chục container các thiết bị đã nhập về còn sử dụng được hay không, tính cơ điện của nó còn hay không và lắp đặt xong có chạy được hay không thì không ai biết, kể cả trường Đại học Hàng hải. Điện, thiết bị đã mua về, để từng ấy năm sương gió đã lạc hậu theo thời gian và hỏng. Một thiết bị cơ điện chỉ có hỏng một con chíp thì cuối cùng cũng không hoạt động được.
“Theo tôi, nên nhìn cái bể thử này ở phạm vi quốc gia không thể gói gọn vào phạm vi một đơn vị. Với đống máy móc, thiết bị đang nằm trong container nên và quyết định kiểm tra toàn bộ đống điện tử, máy móc còn lại gì sử dụng được, còn không thì bán sắt vụn hết,…” - ông Bình nói.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 04/04/2020
10:04, 23/01/2020
11:15, 25/12/2019
17:26, 10/12/2018
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành thu hồi 716 triệu đồng tiền bảo lãnh và 2,79 tỷ đồng tiền bảo lãnh tạm ứng của Công ty CP Đầu tư và xây lắp Tây Hồ - nhà thầu gói thầu XL3 – xây dựng nhà bao che các bể và phòng cháy chữa cháy sau khi đã tuyên bố nhà thầu này vi phạm các điều khoản hợp đồng.
Liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư, nghiệm thu, thanh toán, còn nhiều sai sót, tương ứng với số tiền là 21,9 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Trường đại học Hàng hải Việt Nam phải khẩn trương khắc phục các lỗi vi phạm và báo cáo về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/6/2020.