15 quận, huyện Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9, trong đó 10 đơn vị giãn cách toàn bộ, 5 đơn vị giãn cách một phần - Thông tin được cập nhật vào chiều ngày 3/9.
Chiều 3/9, UBND TP Hà Nội thông báo danh sách: 15 quận, huyện Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9, trong đó 10 đơn vị giãn cách toàn bộ, 5 đơn vị giãn cách một phần.
Theo đó, từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9 thành phố phân theo ba vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường chống dịch.
Vùng một gồm 10 quận, huyện Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai; một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tin.
Vùng một tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó", "người ở vùng nào, ở vùng đó". Đây là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là vùng đỏ, nhiều trường hợp nguy cơ cao.
Thành phố sẽ đóng cứng 30 đường kết nối giao thông từ vùng 1 đến vùng 2, 3; lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí.
Vùng hai gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Toàn bộ vùng hai áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.
Vùng ba là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên; và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng một: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng ba áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ "vùng một".
Theo Hà Nội, mục tiêu của phân vùng để siết chặt vùng một; kiểm soát luồng ra khỏi vùng 1 sang vùng hai và vùng ba.
Thành phố xác định giảm tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng. Các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại vùng 2, vùng 3.
Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất, sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp gồm: ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình); phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội thay đổi phương án sau một tháng rưỡi giãn cách xã hội. Việc tiếp tục giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đến đời sống, tâm lý người dân và tình hình kinh tế - xã hội của TP. Giãn cách theo từng phần, từng khu vực là hợp lý ở thời điểm hiện tại. Hà Nội cần nghiên cứu rất kỹ, đánh giá, phân vùng hết sức thận trọng để có thể áp dụng các biện pháp giãn cách hợp lý.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới; trong khi đó nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế, xã hội. Yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan liên quan coi công tác chủ động tấn công, dập dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; phải quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm "khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh".
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư 3.409 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số ca mắc là các trường hợp đã được cách ly 1.850 ca.
Có thể bạn quan tâm
16:04, 03/09/2021
15:18, 03/09/2021
13:51, 03/09/2021
13:50, 03/09/2021
19:58, 02/09/2021