Sau một năm tạm hoãn do đại dịch COVID-19, triển lãm quốc tế VietnamWood 2022 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 21/10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) TP.HCM.
>>>Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
Theo đại diện Ban tổ chức, sau một năm tạm hoãn vì đai dịch COVID-19, năm nay VietnamWood 2022 trở lại với quy mô và thông điệp ấn tượng hơn: sẵn sàng thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước vươn tầm thế giới. Tiên phong mang đến các giải pháp và xu hướng công nghệ cho chuỗi sản xuất và chế biến gỗ Việt Nam.
Mặc dù chính sách “Zero-COVID” của Trung Quốc khiến nhiều nhà triển lãm tại đây không thể tham dự sự kiện năm nay, nhưng VietnamWood 2022 vẫn thu hút hơn 250 doanh nghiệp từ 24 quốc gia và khu vực. Với các thương hiệu nổi tiếng như: Homag, Michael Weinig, Shoda, Dieffenbacher, Leitz, Jowat, Scm, Biesse, Nanxing, Leadermac, Imos, Cabinet Vision, Felder, Jaf, Hafele, Blum, Vetta, Thuận Hiền, Fuvico, Quốc Duy, Keyces v.v.
Triển lãm không chỉ đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng của thị trường đồ gỗ nội thất, mà còn mang đến một nền tảng kết nối phát triển kinh doanh. VietnamWood thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế, giúp triển lãm năm nay sẽ ấn tượng hơn với các khu gian hàng quốc tế. Các khu gian hàng này sẽ giới thiệu chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa ngành công nghiệp chế biến gỗ và nội thất tại Việt Nam.
Theo Hội Mỹ nghệ & Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA), 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 11,156 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trở lại trong tháng 8/2022 nhưng ảnh hưởng của lạm phát, những bất ổn về kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng và các mặt hàng khác nói chung của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.
Riêng về nguyên liệu, hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Về công nghệ, một số nhóm doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, tuy nhiên các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay. Tất cả hiện trạng trên thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp công nghệ sản xuất, chế biến.
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA cho biết, vào thời điểm hiện tại, năng xuất lao động của ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, ước tính đạt khoảng 22.000 - 25.000 USD/công nhân, so với bình quân của cả nước ở thời điểm hiện tại khoảng 14.000 - 15.000 USD.
Ông Phương cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó, lực lượng lao động cho dù có sự tăng trưởng cả về lượng lẫn về chất, nhưng vẫn không đáp ứng đủ so với nhu cầu phát triển của đất nước. Do đó, ông cho rằng, việc ứng dụng công nghệ, ứng dụng các giải quản trị hiện đại, sử dụng đa dạng các nguyên vật liệu mới sẽ giúp các ngành công nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững.
Nói về những điểm mới của triển lãm năm nay, ông Phương cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên triển lãm năm nay không có sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng đổi lại, triển lãm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu. Ngoài việc triển lãm các loại máy móc, đi kèm theo là các giải pháp về phần mềm, giải pháp thông minh hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ.
“Châu Âu là một nền sản suất đồ gỗ cũng như các loại máy chế biến gỗ hàng đầu thế giới, các quốc gia như Đức, Ý luôn là những quốc gia dẫn dắt thị trường, dẫn dắt các xu thế về đầu tư. Do đó, việc có nhiều doanh nghiệp châu Âu tham gia sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có một tầm nhìn cũng như sự chuẩn bị cho sự đầu tư về máy móc trong bối cảnh các ngành công nghiệp đang cạnh tranh mạnh về mặt lao động như hiện nay”, ông Phương đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
11:00, 25/08/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện
03:30, 25/08/2022
“Bức tranh” ảm đạm của doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm
02:03, 21/08/2022
Thách thức kép với ngành gỗ
04:00, 04/08/2022
MDF Quảng Trị - “ngôi sao” của ngành gỗ xuất khẩu
07:22, 01/07/2022