18 tỷ đồng phát triển du lịch Đà Nẵng: Có phải là quá ít?

Diendandoanhnghiep.vn Doanh nghiệp cho biết đây là con số chẳng khác nào “muối bỏ biển” trong khi du lịch đang được hướng đến nhiều mục tiêu phát triển cho thành phố.

Đà Nẵng vừa phê duyệt kinh phí 18 tỷ đồng thực hiện Đề án phát triển Du lịch trong năm 2019. Cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 756 (tháng 2/2019) phê duyệt kinh phí 18 tỷ đồng thực hiện Đề án phát triển Du lịch năm 2019 từ nguồn kinh phí sự nghiệp Du lịch đã bố trí trong dự toán của Sở Du lịch năm 2019.

Du lịch hiện đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Năm 2018, ngành công nghiệp không khói này mang lại tổng doanh thu cho thành phố là hơn 24.000 tỷ đồng. Và trong năm 2019, ngành du lịch TP Đà Nẵng đưa ra mục tiêu tổng thu du lịch của năm nay lên 27.400 tỷ đồng (tăng 13,9% so với năm 2018). Chính quyền Đà Nẵng luôn đưa ra chủ trương đầu tư thích đáng cho ngành kinh tế này để phục vụ mục tiêu, chiến lược phát triển và tầm nhìn đã đề ra. Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn thành phố cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho ngành du lịch địa phương để duy trì được tốc độ phát triển và tiếp tục phát triển bền vững.

Trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết: Kinh phí 18 tỷ đồng từ ngân sách như vậy là một khoản khá lớn. Ông Tùng cho biết, con số này cao hơn các năm qua.

2018 Đà Nẵng thu hút gần 3 triệu lượt khách quốc tế

2018 Đà Nẵng thu hút gần 3 triệu lượt khách quốc tế. Đà Nẵng luôn đưa ra chủ trương đầu tư thích đáng cho ngành kinh tế này để phục vụ mục tiêu, chiến lược phát triển và tầm nhìn đã đề ra

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng lại cho rằng đây là con số quá ít cho một Đề án phát triển Du lịch của cả năm. Ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Du lịch Omega Tours (trụ sở Đà Nẵng) khẳng định: 18 tỷ đồng cho hàng loạt công việc được nêu trong Đề án là quá ít, và như vậy tuyên truyền, quảng bá xúc tiến là một nhu cầu cần thiết, quan trọng rõ ràng sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kinh phí này.

Được biết, Đề án phát triển Du lịch năm 2019 thành phố Đà Nẵng bao gồm các nội dung, nhiệm vụ như: Nâng cấp chất lượng và hình thành sản phẩm du lịch sinh thái, làng quê, đường sông…, các sự kiện du lịch; Công tác tài nguyên, môi trường du lịch; Quản lý cơ sở lưu trú, cơ sở đạt chuẩn, đơn vị lữ hành, vận chuyển, khu điểm du lịch; Tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch như xuất bản ấn phẩm du lịch, tham gia hội chợ, roadshow trong và ngoài nước, Famtrip; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch cán bộ quản lý nhà nước và hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 756, Đà Nẵng đã dành hơn một nửa trong số kinh phí cho Đề án (gần 9,1 tỷ đồng) cho công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến. Bao gồm: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cung cấp thông tin du lịch, nghiên cứu, khảo sát thị trường; Xuất bản ấn phẩm du lịch; Tham gia hội chợ, roadshow trong và ngoài nước; Famtrip, báo chí; Liên kết du lịch; Thuê người đại diện du lịch Đà Nẵng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu (Pháp, Đức…).

Công tác nâng cấp chất lượng và hình thành sản phẩm du lịch được phân bổ kinh phí nhiều thứ hai ( gần 5 tỷ đồng) sau công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến.

Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, một hội chợ quốc tế cho một điểm đến đã tốn 30-40.000USD; ví dụ sự kiện ITB vừa qua chi phí cho một gian giới thiệu cho thành phố Đà Nẵng 1 tỷ đồng là không đủ, chưa tính quảng bá xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cho biết đây là con số chẳng khác nào “muối bỏ biển” trong khi du lịch đang được hướng đến nhiều mục tiêu phát triển

Doanh nghiệp cho biết 18 tỷ dành cho phát triển du lịch là con số chẳng khác nào “muối bỏ biển” trong khi du lịch đang được hướng đến nhiều mục tiêu. Ảnh: Một góc Công viên APEC tại Đà Nẵng

Theo đó, “Hiện một doanh nghiệp du lịch nhỏ chưa nói đến vừa tại địa phương, kinh phí một năm đã tiêu tốn tầm 300-500 triệu, doanh nghiệp khá hơn con số này là 1 tỷ đồng chỉ tính riêng quảng bá xúc tiến” – vị đại diện doanh nghiệp này cho biết. Ông đặt câu hỏi, “Với quá nhiều công việc như vậy trong một đề án thì còn bao nhiêu dành cho quảng bá xúc tiến điểm đến? Chưa nói thành phố Đà Nẵng cần chủ động trong tổ chức famtrip, mời gọi các doanh nghiệp quốc tế,…” - ông Ngọc Anh nói.

Nói về famtrip, “Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đã được nước ngoài mời gọi, họ lôi kéo các kiểu nhằm thu hút doanh nghiệp ta đến với họ để giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, chứ không “đằm” như Việt Nam. Điểm yếu của mình thời gian qua là chưa có nhiều famtrip. Nếu để tự doanh nghiệp làm sẽ khó, vì công tác này cần nhiều thông tin và sự phối hợp nhiều bên. Thực ra, vì nhu cầu phát triển, doanh nghiệp tại các địa phương cũng đã tự tổ chức, có thể thông qua liên kết các doanh nghiệp. Nhưng để hiệu quả hơn, rõ ràng cần bàn tay của cơ quan quản lý – đầu mối thông tin”, Giám đốc Omega Tours chia sẻ.

Ông lấy ví dụ để thu hút thị trường Ấn Độ, khi tổ chức famtrip, phải lên danh sách doanh nghiệp quan tâm để mời họ đến, cho đi những điểm này, ăn ở, chi phí bao nhiêu… Từ đó, nhà nước có thể kêu gọi xã hội hóa, từ nhà hàng, khách sạn, vận chuyển,…Cơ quan quản lý có thể vừa thực hiện famtrip vừa xã hội hóa để giảm chi phí… Đó là chưa nói quảng bá xúc tiến trong nội địa vì đây vẫn đang là nguồn khách quan trọng của du lịch địa phương.

Trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng – ông Nguyễn Xuân Bình cho biết: Toàn bộ kinh phí 18 tỷ đồng được duyệt là của cả hoạt động du lịch của thành phố cho năm 2019. Theo ông Bình, trong phạm vi nguồn lực của thành phố như vậy là “có sự quan tâm”. Trong quá trình thực hiện “phải xã hội hóa để có thêm nguồn lực”- ông Bình nói.

Được biết, các quốc gia thành công về du lịch trong khu vực và trên thế giới đã chi tiêu trên ngưỡng cần thiết (50 triệu USD) cho công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá. Đây là thông tin được đưa ra bàn luận tại một diễn đàn khởi nghiệp du lịch mới đây tổ chức tại Đà Nẵng.

Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra hồi tháng 12/2018, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh đã cho biết Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD; trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch.

Một số liệu thống kê về ngân sách quốc gia dành cho xây dựng thương hiệu và xúc tiến du lịch năm 2016 cho thấy Australia chi 135 triệu USD, Malaysia 113 triệu USD, New Zealand 108 triệu USD, Singapore 83 triệu USD, Pháp chi 80 triệu USD, Anh 70 triệu USD, Thái Lan 65 triệu USD,…

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết 18 tỷ đồng phát triển du lịch Đà Nẵng: Có phải là quá ít? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714204550 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714204550 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10