Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa ký hồ sơ dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trong hoạt động lấn biển gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.
>>Luật hoá hoạt động lấn biển
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 190 quy định hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 1/4 tới và giao Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước đây, đặc biệt là cơ sở pháp lý để ban hành Nghị định quy định lấn biển đã cơ bản được xử lý, làm rõ trong Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề có ý kiến khác nhau về thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt Giấy chứng nhận).
Theo đó, tại dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trong hoạt động lấn biển, Bộ đang thiết kế 2 phương án.
Phương án 1, đối với phần diện tích đất nằm trong đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm thì sau khi nhà đầu tư dự án lấn biển hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao giấy chứng nhận; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Đối với phần diện tích lấn biển, việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã hoàn thành việc lấn biển theo tiến độ của dự án đầu tư và có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành toàn bộ hoặc từng phần công trình lấn biển theo quy định. Cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Phương án 2, nhà đầu tư dự án lấn biển được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai sau khi hoàn thành xây dựng toàn bộ hoặc từng phần công trình lấn biển theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành xây dựng toàn bộ hoặc từng phần công trình lấn biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết quy định trên nhằm bảo đảm nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển theo đúng tiến độ và quy hoạch; tránh trường hợp nhà đầu tư sau khi được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận chưa thực hiện lấn biển mà đem quyền sử dụng đất đi thế chấp tại các ngân hàng mà không thực hiện lấn biển theo tiến độ hoặc không lấn biển.
Theo phương án này, nhà đầu tư dự án lấn biển có thể đề nghị được cấp Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành xây dựng toàn bộ công trình lấn biển hoặc từng phần công trình lấn biển theo quy hoạch sau khi có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.
>>Nguồn lợi “khổng lồ” từ những công trình lấn biển
Dự thảo cũng quy định việc xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai (không bao gồm chi phí lấn biển).
Trường hợp xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất trong thời hạn 180 ngày kể từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất.
Chi phí lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán được ngân sách nhà nước hoàn trả bằng hình thức trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp. Mức được trừ không vượt quá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; số tiền còn lại (nếu có) được tính vào chi phí của dự án.
Theo TS Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hoạt động lấn biển đã được triển khai tại Việt Nam với dự án đầu tiên vào năm 1999 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành ven biển trong đó có những dự án quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại các địa phương.
Một số dự án lấn biển làm khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước. Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư cho lấn biển còn hạn chế thể hiện rõ nét ở sự thiếu vắng quy hoạch lấn biển trong quy hoạch sử dụng đất của phần lớn các địa phương ven biển, sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật liên quan về lấn biển.
Theo ông Bình, trên thực tế, các dự án lấn biển yêu cầu vốn đầu tư vô cùng lớn, cần huy động tốt nguồn lực từ khối tư nhân để triển khai có hiệu quả. Do đó cần chú ý giải quyết những vướng mắc về thủ tục, chi phí khi giao khu vực biển và giao đất, cho thuê đất.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Lấn biển để mở ra không gian phát triển mới
09:48, 19/08/2023
Luật hoá hoạt động lấn biển
14:13, 14/03/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
11:10, 08/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển
20:30, 18/08/2022