Chỉ số đồng bạc xanh USD -Index (DXY) trên thị trường quốc tế rơi về trạng thái thấp nhất, còn tỷ giá USD/VND vẫn áp lực.
Chỉ số DXY trải qua nửa đầu năm tệ nhất trong hơn 50 năm trở lại đây. Cụ thể, DXY đã khởi đầu tháng 6 ở mức 98.70, và trong tháng đã giảm mạnh 2,5% - đánh dấu nửa đầu năm tệ nhất kể từ năm 1973 với mức giảm 12%, theo dữ liệu của Chứng khoán MBS.
Tại thời điểm hiện nay (26/7), DXY vẫn đang giao dịch về quanh mốc 97.6 - tiếp tục xu hướng đi xuống nếu so với mốc khởi đầu tháng 6 bất chấp một số thông tin cho thấy kinh tế Mỹ tích cực hơn.
Thực tế, về dữ liệu kinh tế trong tháng 6, thị trường lao động vẫn ổn định với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, chỉ số PMI sản xuất tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 năm tại 52.9, nhưng doanh số bán lẻ lại giảm 0,9% so với tháng trước trong tháng 5. Đặc biệt, áp lực lạm phát vẫn dai dẳng với chỉ số PCE tăng lên 2,3% so với cùng kỳ trong tháng 5. Do đó, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất đồng thời hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm xuống 1,4% và dự đoán lạm phát ở mức 3%.
Dù vậy, Chủ tịch Fed trước đó tiết lộ rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 7 vẫn có thể xảy ra nếu thị trường lao động cho thấy dấu hiệu suy yếu hơn kỳ vọng.
Thực tế tháng 7 đã gần khép lại và không có quyết định mới nào được đưa ra. Lần gần nhất nói về lãi suất trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Jerome Powell được cho bất chấp mọi tác động, đã dự kiến giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới và hoãn mọi điều chỉnh đến mùa thu - một động thái được cho hết sức kiên định với lập trường cứng rắn khi thận trọng trước lạm phát và sẽ tiếp tục có tác động đến DXY.
Về tình hình thuế quan, mặc dù có nhiều thư công bố các mức thuế cho các quốc gia, song đến cuối tháng 6, thực tế mới chỉ có Việt Nam, Trung Quốc và Anh đạt được các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong khi thời hạn tạm hoãn thuế quan 90 ngày gần kết thúc làm gia tăng lo ngại về tác động của thuế quan đã gây thêm áp lực giảm giá lên đồng USD. Thực tế đến cuối tháng 6, chỉ số DXY giảm về mức đáy 3 năm tại 96.6 - một sự sụt giảm đáng kể đối với đồng tiền truyền thống được coi là nơi trú ẩn an toàn của thế giới, theo MBS. Thực tế mới phải ghi nhận thêm rằng ở đợt hoãn thuế lần 2 - thời hạn sẽ được công bố cũng trong tuần tới, nhiều quốc gia đã được công bố mức thuế thấp hơn. Song ngay cả như vậy, chỉ số này vẫn lình xình như nêu.
Một điểm tưởng không liên quan nhiều đến đồng USD, thực tế có quan hệ lớn với vị thế của đồng bạc xanh, là việc Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật GENIUS được cho là sẽ củng cố sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, bằng cách đảm bảo quyền tiếp cận được quản lý đối với các stablecoin được neo giá bằng đồng đô la. Đạo luật này cũng đã chính thức được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 17/7 mới đây; và Tổng thống Trump không dấu kỳ vọng sẽ tiến xa hơn nữa trong việc đưa Mỹ trở thành "thủ đô tiền điện tử" của thế giới, trong khi việc sử dụng stablecoin sẽ làm tăng nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ, hạ lãi suất và đảm bảo vị thế của đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới. Mục tiêu tăng sức mạnh của đồng USD có thể khiến thị trường được chứng kiến nhiều động thái hơn nữa để hậu thuẫn cho đồng bạc xanh trong tương lai.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND vẫn phần nào chịu áp lực. Thống kê MBS ghi nhận tỷ giá liên ngân hàng liên tục xô đổ kỷ lục trong tháng 6.
MBS nhận định mặc dù đồng USD suy giảm mạnh trong tháng, áp lực tỷ giá vẫn dai dẳng khi chịu sức ép từ trong nước khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao.
Cụ thể trong tháng 6, Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào mua USD từ các NHTM với tổng trị giá lên tới 300 triệu USD, qua đó nâng tổng lượng USD mua vào từ đầu năm đến nay lên gần 1,9 tỷ USD (gần bằng mức 2,1 tỷ USD mua trong năm 2024), qua đó đã phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt.
Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND-USD đã nới rộng trong tháng khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp trong kỳ, và thậm chí có lúc chạm đáy 15 tháng tại 1,3%. Theo đó, tỷ giá liên ngân hàng duy trì đà tăng và kết tháng ở mức 26.118 VND/USD (+2,6% so với đầu năm). Tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức 26.430 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 25.052 VND/USD, tương ứng với mức tăng lần lượt 2,6% và 2,9% so với đầu năm.
Thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước trong tuần từ ngày 14/07 – 18/07/2025 cũng ghi nhận tỷ giá có xu hướng tăng. Ngày 14/07, tỷ giá mua, bán USD/VND niêm yết cuối ngày trên website của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ở mức 25.930/26.290 VND/USD, không đổi so với tỷ giá cuối ngày làm việc cuối tuần trước đó (ngày 11/07). Cuối ngày 18/07, tỷ giá niêm yết ở mức 25.980/26.340 VND/USD, tăng 50 VND/USD so với tỷ giá ngày 14/07.
Các trạng thái vẫn được ghi nhận theo thị trường đến gần cuối tháng 7, trong khi đồng bạc xanh lình xình nhưng nhích tăng nhẹ nếu so với đáy của 3 năm tại cuối tháng 6, thì đến ngày cuối của tuần này, tỷ giá USD/VND ghi nhận có giảm và vẫn neo trên 26.000 VND. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tại sáng 26/7, ở mức 25.164 đồng. Tỷ giá Vietcombank niêm yết mua vào - bán ra là 25.930 VND/USD và 26.329 VND/ USD.
Có thể thấy dù thị trường đã xuất hiện một số tín hiệu ở trạng thái của DXY hay ở tỷ giá hối đoái mà NHTW niêm yết, giao dịch; hầu hết các diễn biến mới chưa phản ánh sự biến động nào đáng kể. Theo đó, các nhà phân tích MBS có cơ sở để tiếp tục giữ quan điểm là mặc dù đồng USD được dự báo sẽ duy trì đà giảm về cuối năm khi Fed được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, tin rằng các áp lực nội tại sẽ là yếu tố chính góp phần vào đà tăng của tỷ giá, bao gồm: (1) Chênh lệch lãi suất USD-VND vẫn tiếp diễn cho dù FED cắt giảm lãi suất xuống 4%. (2) Nhu cầu nhập khẩu lớn hơn khi mức thuế 0% được áp dụng hàng hóa từ Mỹ. Ngược lại, xuất khẩu nói chung sẽ chậm lại, dẫn đến thặng dư thương mại bị thu hẹp. (3) Dòng vốn FDI sẽ chậm lại chờ đợi các thông tin rõ ràng hơn về thuế quan. (4) Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trong bối cảnh giá vàng tăng".
Các nhà phân tích vẫn duy trì dự báo tỷ giá trung bình năm 2025 sẽ dao động trong khoảng 26.600 – 26.750 VND/USD, phản ánh mức tăng 4,5% - 5% so với đầu năm.
Lạc quan hơn về biên độ dao động của tỷ giá tính cho cả năm, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng BIDV cho rằng theo ông, cơ bản tỷ giá USD/VND năm 2025 sẽ có xu hướng tăng khoảng 3%.
Theo TS Cấn Văn Lực lý giải, đây là biên độ phản ánh sự mất giá tương đối của đồng Việt Nam so với USD, phù hợp với diễn biến kinh tế toàn cầu và các yếu tố nội tại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn kiểm soát được biến động tỷ giá trong biên độ cho phép, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và có dư địa để điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.