Năm 2024 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là năm của những cuộc bầu cử. Hơn ba chục quốc gia, với tổng dân số bốn tỷ người, sẽ chứng kiến công dân của họ đi bỏ phiếu.
Một số cuộc bầu cử có kết cục dễ đoán, chẳng hạn như Nga – nơi khả năng rất cao là đương kim Tổng thống Vladimir Putin sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến từ ngày 17/3/2024. Nhưng ở nhiều nước khác, các ứng cử viên đang cạnh tranh rất khốc liệt, hứa hẹn sẽ mang tới những thay đổi khó lường về chính sách có ảnh hưởng toàn cầu.
>>Kinh tế - “át chủ bài” giúp giành ghế Tổng thống Mỹ
Cuộc tổng tuyển cử Hoa Kỳ, dự kiến vào ngày 5 tháng 11 năm 2024, được thế giới chú ý hơn cả. Không chỉ là chức vụ Tổng thống, sự kiện này còn quyết định ai sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện đầy quyền lực trong Quốc hội Mỹ.
Cuộc đua Tổng thống Mỹ năm 2024 tiếp tục là cuộc so kè giữa ông Joe Biden của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa. Nếu ông Trump thắng, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước Mỹ dự đoán đó có thể dẫn tới một sự đảo lộn về trật tự toàn cầu. Không bàn tới những cáo buộc nội bộ liên quan tới cuộc bầu cử năm 2020, chính sách đối ngoại của Mỹ hứa hẹn sẽ đảo chiều mạnh mẽ.
Ông Donald Trump dự kiến sẽ quay trở lại công kích khối NATO và EU, bác bỏ vấn đề biến đổi khí hậu hay thúc đẩy chính sách cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc. Những thay đổi đó đều sẽ đem lại tác động to lớn đến chính sách kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Các chính sách đó cũng phụ thuộc rất lớn vào cuộc đua tới Quốc hội. Theo những khảo sát gần đây, Đảng Cộng hòa dường như sẽ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện. Ngược lại, đảng Dân chủ có thể chiếm lại Hạ viện.
Cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 6-9 tháng 6 năm 2024. Sự kiện này quan trọng ở chỗ sẽ đem lại tiếng nói cuối cùng trong việc lựa chọn Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu (EC).
Đương kim Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vẫn chưa cho biết liệu bà có ý định tranh cử nhiệm kỳ Chủ tịch 5 năm lần thứ hai hay không. Trong khi đó, công dân của 27 quốc gia thành viên EU sẽ chọn 720 nghị sĩ để phục vụ nghị viện từ năm 2024 đến năm 2029.
Với hơn 400 triệu người châu Âu đủ điều kiện bỏ phiếu, cuộc bầu cử Quốc hội EU sẽ trở thành cuộc bầu cử lớn thứ hai trên thế giới sau cuộc bầu cử quốc gia ở Ấn Độ. Dù vậy, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu năm 2019 mới chỉ có 51% - không phải là một con số ấn tượng theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Điều quan trọng hơn là liệu các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy có thắng thế trong sự kiện năm tới? Một số cuộc bầu cử quốc gia thành viên, như Hà Lan, đã chứng kiến điều tương tự thời gian qua. Đảng Nhân dân Châu Âu, vốn là đảng thống trị trong Nghị viện Châu Âu trong một phần tư thế kỷ, đã bắt đầu chuyển sang xu hướng cánh hữu, theo nhận định của tờ Financial Times gần đây.
>>Ukraine sẽ tổ chức bầu cử giữa thời chiến?
Thế giới cũng sẽ để mắt tới cuộc bầu cử quốc gia ở Ấn Độ (dự kiến từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2024). Người Ấn Độ sẽ bầu các thành viên của Quốc hội quốc gia thứ 18- nơi đảng phái hoặc liên minh nào giành quyền kiểm soát có thể lựa chọn Thủ tướng.
Với những thành tựu gần đây, các chuyên gia dự báo khả năng cao ông Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) sẽ giành chiến thắng lần thứ ba liên tiếp và tránh phải dựa vào liên minh để lãnh đạo đất nước.
Đầu tháng này, BJP đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở 3 bang của Ấn Độ, cho thấy thông điệp của đảng tiếp tục gây được tiếng vang với cử tri. Quả thực, các cuộc thăm dò cho thấy gần 8 trong số 10 người Ấn Độ tán thành việc thực hiện công việc của ông Modi. Nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng ở mức 7%, nâng cao thu nhập trên cả nước và triển vọng phát triển tươi sáng.
Nếu chiến thắng, ông Modi sẽ tiếp tục có cơ hội thúc đẩy các thành tựu hiện có, bao gồm tìm kiếm mối quan hệ cân bằng và có lợi hơn với các cường quốc, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Tại Đông Nam Á, cuộc bầu cử ở Indonesia vào ngày 14 tháng 2 năm 2024 cũng gây chú ý. Đất nước này có 275 triệu dân đang dần chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, khiến các nhà quan sát muốn biết nhà lãnh đạo tiếp theo của quốc gia này sẽ theo đuổi đường lối kinh tế nào.
Trong khi Hiến pháp quốc gia cấm Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo (Jokowi) tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, thì ba ứng cử viên hàng đầu thay thế ông sẽ là Prabowo Subianto, Ganjar Pranowo và Anies Baswedan.
Hiện dữ liệu khảo sát cho thấy ông Prabowo – Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của đất nước - là người dẫn đầu. Trong cuộc bầu cử này, ông Prabowo đã khôn khéo chọn con trai của ông Jokowi làm đối tác liên minh để tranh chức Tổng thống và Phó tổng thống vào năm tới.
Nếu giành thắng lợi, Indonesia nhiều khả năng sẽ tiếp tục các đường lối của chính quyền cũ, đặc biệt là bảo vệ chính sách đối ngoại không liên kết của quốc gia trong môi trường ngày càng phức tạp ở châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm 2024?
04:30, 07/12/2023
Xung đột Israel – Hamas sẽ thay đổi thế giới như thế nào?
04:00, 17/11/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Những tác động tới kinh tế thế giới 2024
03:00, 27/12/2023
Khủng hoảng ngân hàng Mỹ: Rủi ro vẫn còn trong năm 2024
04:00, 26/12/2023
Giá vàng sẽ lập đỉnh cao mới trong năm 2024?
04:00, 22/12/2023