Hoàn thiện thể chế, chính sách sử dụng quỹ đất 20% và giải quyết vấn đề vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình nhà ở xã hội là những mục tiêu được Bộ Xây dựng đặt ra trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, mặc dù còn tồn tại nhưng các chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách, trong đó có công nhân khu công nghiệp được cải thiện nhà ở.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã có 513 dự án nhà ở xã hội với số lượng 16.160.000 m2 sàn; trong đó đã hoàn thành 249 dự án với quy mô xây dựng 5.210.000 m2 sàn, đạt tỷ lệ 41,7% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 264 dự án với quy mô xây dựng khoảng 10.950.000m2 sàn nhà ở.
Về kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động: Đến nay trên địa bàn cả nước đã có 202 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng 7.342.969 m2 sàn; trong đó đã hoàn thành 111 dự án với quy mô xây dựng 2.301.909 m2 sàn, đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.041.060m2 sàn nhà ở.
Thứ trưởng Sinh cũng cho biết, hiện vẫn còn một số vướng mắc dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Một là, thiếu hụt nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020); Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội và cũng chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.
Hai là, nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 5, hàng năm theo quy định của pháp luật. Chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.
Ba là, hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã ban hành chưa đủ hấp dẫn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.
Bốn là, tâm lý của đa số người nghèo, người thu nhập thấp vẫn muốn mua nhà ở xã hội, không muốn thuê, song thu nhập không đảm bảo, các công nhân, gia đình trẻ còn rất hạn chế, rất khó khăn về kinh tế, dự án nhà ở xây xong, tỷ lệ hấp thụ cũng không thực sự tốt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để khắc phục các tồn tại, khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị giải pháp và kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thể chế, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển nhà ở xã hội.
Thứ hai, tạo nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở công nhân thông qua việc đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam huy động nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nguồn lực của tổ chức công đoàn để thực hiện các thiết chế công đoàn.
Thứ ba, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu. Các địa phương thực hiện nghiêm quy định về bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng để cho vay, đặc biệt là nguồn vốn để cấp bù lãi xuất cho 4 Ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để cho doanh nghiệp và người dân vay.
Cần phải bổ sung các Chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn để có cơ sở bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Dành 20% quỹ đất trong khu công nghiệp xây dựng nhà ở công nhân
01:30, 06/05/2019
Cần sớm triển khai dự án nhà ở công nhân
06:00, 29/10/2018
Cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân
10:00, 02/07/2018
TP.HCM sẽ đa dạng hóa phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
11:06, 24/12/2020
Gỡ vướng nhà ở xã hội: Cần cuộc chơi “fair play”
07:30, 22/11/2020