NHNN tiếp tục các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện tiếp cận vốn.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, cân đối hài hòa lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản hệ thống TCTD.
NHNN chỉ đạo các TCTD công khai lãi suất trên website. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, đến tháng 8/2024 giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023. Trong đó, lãi suất cho vay khối NHTMCP tư nhân giảm khoảng 0,96%; hiện ở mức 9,17%, cao hơn toàn hệ thống và nhóm NHTMNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng báo cáo Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước chiều ngày 21/9.
Theo lãnh đạo NHNN, trong những giai đoạn áp lực tăng cao, NHNN bán can thiệp ngoại tệ hỗ trợ thanh khoản thị trường, phục vụ nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại tệ. Khối NHTMCP tư nhân chiếm khoảng 66% tổng giao dịch ngoại tệ toàn hệ thống và 30% thị phần giao dịch với khách hàng.
Bảo đảm thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế: Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế kết hợp với điều tiết thanh khoản hỗ trợ tỷ giá khi áp lực tỷ giá tăng. Các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở giữa NHNN và khối NHTMCP tư nhân thông suốt, kịp thời, chiếm hơn 60% doanh số toàn hệ thống.
Điều hành tăng trưởng tín dụng chủ động, linh hoạt, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 15%. Thời gian qua, NHNN liên tục cải tiến việc giao, điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, chưa thể chấm dứt việc áp dụng biện pháp này vì tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, chạy đua lãi suất như giai đoạn trước năm 2011 có thể quay lại, gây bất ổn vĩ mô và rủi ro lạm phát gia tăng, rủi ro nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng tới an toàn hệ thống ngân hàng…
NHNN đã chỉ đạo các NHTM và các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai và đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, đã có thêm 4 NHTMCP tham gia Chương trình với số tiền 20.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng); điều chỉnh nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà từ 2% lên 3% trong 05 năm đầu cho vay, 5 năm tiếp theo áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn từ 1% đến 2% so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn của 4 NHTMNN...
Trong thời gian qua, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cấp tín dụng để kịp thời có hiệu lực đồng bộ với Luật Các TCTD năm 2024, bổ sung quy định về đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ phục vụ đời sống; cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đến hết ngày 31/12/2024.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD, trung gian thanh toán tích cực triển khai Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 giữa Bộ Công an và NHNN với mục tiêu làm sạch dữ liệu khách hàng, xác định chính chủ tài khoản góp phần ngăn ngừa gian lận, lừa đảo trong việc sử dụng các phương tiện thanh toán
Theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện so với cùng kỳ. Đến ngày 16/9/2024, đạt 7,26% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối NHTMCP tư nhân tăng 8,48%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Khối NHTMCP tư nhân đến cuối tháng 6/2024 có nợ xấu nội bảng là 633 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, chiếm 79,65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD; tỷ lệ nợ xấu 7,77%.
Lợi nhuận sau thuế của khối NHTMCP tư nhân 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng (nếu không tính 2 NHTM đang kiểm soát đặc biệt là NH Đông Á và SCB) thì đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập (khoảng 76,1%).
Hầu hết các TCTD đáp ứng các tỷ lệ về an toàn trong hoạt động. Đến cuối quý II/2024, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống là 11,96%, trong đó khối NHTMNN là 9,77%; khối NHTMCP tư nhân là 11,86%...
Bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong, ngoài nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho TCTD đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của TCTD. Đồng thời nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Thứ ba, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động, các quy định của pháp luật có liên quan để cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị hoạt động, kịp thời nhận diện các rủi ro, sai phạm, triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, xử lý nghiêm túc, đúng quy định. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu SXKD và phục vụ đời sống, tiêu dùng; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng.
Thứ tư, ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng nhà ở xã hội, Chương trình tín dụng lĩnh vực lâm, thủy sản. Chỉ đạo TCTD nghiêm túc triển khai các chương trình tín dụng đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, NHNN.
Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định. Đẩy mạnh tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp khắc phục bão lụt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh...
NHNN kiến nghị, để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của DN, thúc đẩy tiêu dùng của người dân;...
Đồng thời, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản;...
Cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa…