4 giải pháp phát triển ngành công nghiệp đóng tàu

HẰNG THY 29/05/2024 20:53

Tham gia phát biểu tại hội trường ngày 29/5, Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đóng góp một số ý kiến về giải pháp phát triển ngành công nghiệp đóng tàu.

>>Hải Phòng: “Khát” nhân lực đóng tàu

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra các chủ trương lớn phát triển các ngành kinh tế biển trong đó phát triển thành công, đột phá về các ngành thứ tự ưu tiên.

Về kinh tế hàng hải có trọng tâm là khai thác hiệu quả cảng biển và dịch vụ vận tải, đẩy mạnh phát triển tàu biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước tham gia, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.

Về công nghiệp ven biển có ưu tiên phát triển hợp lý các ngành sửa chữa, đóng tàu, cơ khí, chế tạo, công nghiệp phụ trợ,…

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng

Đại biểu Lã Thanh Tân đánh giá mặc dù kinh tế biển đã đạt được một số thành tựu quan trọng tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một quốc gia có hơn 3000km bờ biển như Việt Nam, trong đó một số ngành như vận tải biển, đóng mới và sửa chữa tàu biển còn yếu và thiếu, rất nhiều nhà máy, xưởng đóng tàu được nhà nước đầu tư nhưng đang dừng hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Thời gian qua, ngành đóng tàu của nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn , thách thức như: thiếu nguồn nhân lực do quan niệm đây là ngành nặng nhọc, do yêu cầu của thị trường và những quy định của công ước quốc tế về thế hệ tàu mới phải đảm bảo tính an toàn cao, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã,…

Để phát huy được lợi thế và hạn chế của nguồn lực ngành đóng tàu, phấn đầu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan quan tâm đến một số nội dung sau:

Một là, cần đánh giá đúng vai trò và có cách nhìn thỏa đáng đối với ngành đóng tàu, cần coi đây là ngành công nghiệp xương sống, tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển cùng phát triển.

Hai là, sớm có các chính sách hỗ trợ về tài chính như ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp đóng tàu, giảm thuế đất cho các doanh nghiệp đóng tàu.

Ba là, đầu tư, hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực đóng tàu, khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghiệp đóng tàu cũng như công nghiệp phụ trợ.

Bốn là, đẩy mạnh cải cảnh thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cảng biển, quy hoạch phát triển và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cảng biển hiện đại, thông minh tại ba miền bắc, trung, nam để tăng sức cạnh tranh với các cảng biển quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: “Khát” nhân lực đóng tàu

    13:19, 11/05/2022

  • Đóng tàu Bạch Đằng kêu cứu!

    11:30, 18/06/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
4 giải pháp phát triển ngành công nghiệp đóng tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO