Tổ công tác của Bộ NN&PTNT nêu 5 vấn đề cần xử lý để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và cung ứng nông sản, đồng thời đề nghị TP.HCM sớm mở lại 3 chợ đầu mối.
Báo cáo mới đây của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại 19 các tỉnh, thành phố phía Nam khẳng định, tình hình sản xuất nông nghiệp của các địa phương ổn định, lượng hàng nông sản cung ứng cho tiêu dùng không thiếu.
Tuy nhiên, Tổ công tác cho rằng, có 5 vấn đề cần xử lý để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản và cung ứng cho người dân.
Một là, chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị tắc nghẽn do các trạm kiểm soát COVID-19 kiểm soát chặt.
Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do lực lượng lái xe, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì lo ngại dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, cần giấy xét nghiệm làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.
Hai là, chợ truyền thống, chợ đầu mối là đầu ra của hơn 70% lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho TP.HCM nhưng hầu hết bị đóng cửa, gây ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho Thành phố.
Tâm lý người dân lo ngại thiếu hàng hóa nên tích trữ (đặc biệt là trứng gia cầm) gây thiếu hàng cục bộ và tăng giá. Hiện một số chợ truyền thống ở TP.HCM đã mở lại, người dân giảm tích trữ. Tuy nhiên, 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn chưa hoạt động trở lại nên việc cung cấp hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM vẫn đang gặp khó khăn.
Ba là, vấn đề nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp: Khi giãn cách xã hội, việc thiếu lao động xảy ra. Hiện các địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ, nhưng một số nơi vẫn còn thiếu cục bộ.
Bốn là, hiện nay có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phía Nam đang tạm dừng sản xuất.
Năm là, hiện có một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y... Do áp dụng chỉ thị 16 nên cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định thực tế để cấp mới, cấp lại hoặc gia hạn theo quy định. Do đó, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng xem xét gia hạn thêm 3 tháng cho các cơ sở sản xuất.
Tổ công tác cho biết, sẽ đẩy mạnh, củng cố các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng và các tổ chức vận chuyển hàng hóa nông sản. Đặc biệt là phối hợp với Bộ Công thương xây dựng danh mục các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở cung ứng hàng hóa để đảm bảo nguồn cung cho các chuỗi phân phối. Đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm về phòng chống dịch COVID-19 ở các cơ sở giết mổ, đóng gói, không để phát sinh dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tổ công tác cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh và TP.HCM và bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Đồng thời, Tổ công tác đề nghị TP.HCM phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Trước đó, vào ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại 19 các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19. Tổ công tác có 14 thành viên, do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Tổ công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch COVID-19.
Chỉ đạo Sở NN&PTNT các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch COVID-19.
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các địa phương thuộc tâm dịch COVID-19. Nghiên cứu, đề xuất báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.
Có thể bạn quan tâm
Hưng Yên: Kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản cho nông dân
11:50, 15/07/2021
Nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm
04:00, 14/07/2021
Giải "bài toán" tiêu thụ nông sản?
11:00, 11/06/2021
BRGMART hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang
18:38, 08/06/2021
Xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch COVID
04:10, 01/06/2021