5G được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
>>>Bùng nổ sản phẩm "chặn" sóng 5G
Cú hích cho chuyển đổi số toàn diện
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Nhờ sự lan tỏa của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu, việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đang có những bước tiến mạnh mẽ tại Việt Nam.
Tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế được xác định là một trong những trụ cột quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo ra không gian phát triển mới và mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển nhưng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu kép của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Theo định hướng phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự kiến kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, với tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực tương ứng đạt tối thiểu 10% và 20%.
Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số - Thúc đẩy Tăng trưởng và Đổi mới sáng tạo với 5G” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, trong đó chuyển đổi số được xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.
"Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch COVID-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người; gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi và thích ứng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với cam kết luôn đi đầu trong đổi mới và cải cách, đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam", Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh.
Cũng theo ông Võ Thành Thống, 03 chương trình hành động chính đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra từ rất sớm, bao gồm: Thứ nhất, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, kinh tế số; Thứ hai, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; và Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành rất nhiều tâm huyết đối với công cuộc hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông: Với mục tiêu: Viễn thông Việt Nam phải đi cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhất là hạ tầng băng rộng trong đó có mạng di động 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp.
Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đấu giá và cấp phép các băng tần cho di động 4G và 5G; tháo gỡ "nút thắt" về cơ sở pháp lý của việc triển khai đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Bộ cũng đã ban hành các quy chuẩn về 5G như: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 128:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G độc lập - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 127:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G – (QCVN 126:2021/BTTTT). Đặc biệt, trong năm 2022, hạ tầng cáp quang được triển khai tới 100% các thôn, bản. Đây là hạ tầng truyền dẫn quan trọng để triển khai nhanh phần vô tuyến và đảm bảo chất lượng.
Thêm vào đó, Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao; khu vực cho nhu cầu, đây là quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổng kết đánh giá quá trình thử nghiệm mạng 5G, xây dựng tiêu chí về vùng phủ, chất lượng để cấp phép; giải pháp sử dụng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác mạng đồng thời làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị Make in Vietnam.
Lợi ích của 5G là rất lớn
Chia sẻ tại diễn đàn ông Denis Brunetti Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar cho biết: Thời đại công nghệ đang đưa chúng ta đang sang không gian mới của máy móc, của phương tiện giao thông, của thiết bị đeo và của nhiều thiết bị máy móc được kết nối khác. Những không gian này sẽ sản sinh ra những loại hình doanh nghiệp và mô hình kinh doanh mới, mang lại cơ hội tạo ra giá trị mới trong các lĩnh vực sản xuất, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và các lĩnh vực khác. 5G sẽ mở ra tiềm năng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang có hoài bão số hóa xã hội, chúng tôi kỳ vọng 5G sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, phát triển Công nghiệp 4.0 và gia tăng đóng góp của lĩnh vực truyền thông số vào GDP của Việt Nam. Một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là phát triển nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2025 và 7,5% vào năm 2030.”
Còn theo ông Christophe POISSON - Đại diện cho các thành viên Tiểu ban Kỹ thuật số EuroCham: Thế giới đang trải qua một sự thay đổi lớn khi bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số và Việt Nam đang tham gia vào kỷ nguyên này. 5G dự kiến sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp EU tại Việt Nam trong thời gian tới.
Các thành viên của chúng tôi là các doanh nghiệp kỹ thuật số và chúng tôi tự hào đã tham gia vào hành trình chuyển đổi số của Việt Nam trên nhiều phương diện: cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, giáo dục, các dự án thành phố thông minh. Các thành viên trong Tiểu ban Kỹ thuật số đã và đang theo sát sự phát triển của quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Rõ ràng, 5G sẽ đóng góp vào sự chuyển đổi cơ bản của kỹ thuật số.
Việc ra mắt 5G tại Việt Nam hỗ trợ tầm nhìn của Chính phủ về việc phát huy năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế xã hội toàn vẹn và bền vững tiếp theo ở Việt Nam. Theo ước tính Ericsson về thị trường di động, tới năm 2027, 5G sẽ trở thành công nghệ truy cập di động chủ đạo. Dự báo, đến cuối năm 2027 sẽ có 4,4 tỷ thuê bao 5G, chiếm 49% tổng số thuê bao di động tại thời điểm đó. Ước tính, mạng 5G sẽ bao phủ 75% thế giới dân số vào năm 2027 và chuyển mang 62% tổng lưu lượng dữ liệu di động. Ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, vào năm 2021, thuê bao 5G dự kiến sẽ chiếm 45% tổng số thuê bao di động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình thương mại hóa 5G tại Việt Nam vẫn cần thời gian để thử nghiệm, đánh giá kỹ càng để mạng lại hiệu quả cao nhất cho quá trình chuyển đổi số. Trong thời gian đó, Việt Nam nên khắc phục những hạn chế của quá trình chuyển đổi số để chờ cơ hội bứt phá trong thời gian tới.
Để thúc đẩy quá trình ứng dụng 5G và quá trình chuyển đổi số, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc áp dụng các nền tảng công nghệ mới nhất phục vụ cho hoạt động của mình như công nghệ 5G. Chỉ khi tự nhận thức thức được, doanh nghiệp và người dân mới có thể cải thiện được quy trình sản suất, kinh doanh. Từ nhận thức đó, các cơ quan nhà nước, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo mới có những bước tiếp theo để thúc đẩy, hỗ trợ theo nhu cầu của doanh nghiệp mong muốn.
Có thể bạn quan tâm