Quý 1/2019, cuộc đua 5G đã có sự thay lớn trên toàn cầu khi mà Nokia đang thua lỗ, Intel công bố dừng sản xuất chip 5G do không có lợi nhuận.
Nokia thua lỗ vì 5G
Theo thống kê mới nhất từ Nokia, doanh thu quý đầu tiên năm 2019 bất ngờ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018. Công ty đã thua lỗ hơn 254 triệu euro trong 3 tháng đầu năm 2019, so với 46 triệu euro lợi nhuận đạt được vào cùng kỳ năm ngoái.
Khoản lỗ này một phần là do Nokia tập trung vào một số hạng mục kinh doanh liên quan tới công nghệ 5G, trong khi các hạng mục này vẫn chưa đem lại lợi nhuận nào cho công ty.
Việc Nokia thua lỗ tương phản với tình cảnh của công ty đối thủ Thụy Điển Ericsson. Dù cả hai đều cần thu hút khách hàng mạng 5G bằng cách đặt giá thấp để bán được nhiều hàng hơn, Ericsson vẫn công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn Nokia vào tuần trước.
Theo đó, báo cáo lợi nhuận ròng quý đầu tiên của Ericsson là 2,4 tỷ kronor (260 triệu USD), so với khoản lỗ ròng 725 triệu kronor cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần tăng lên 48,9 tỷ kronor, tăng từ 43,4 tỷ kronor trong quý 1/2018.
Hoạt động của công ty này đã phục hồi nhờ nhu cầu đối với thiết bị 5G tăng cao và có thể được hưởng lợi từ sự bất ổn hiện tại liên quan đến Huawei. Cả Nokia và Ericsson cũng đang nỗ lực tận dụng khó khăn của Huawei Technologies tại nhiều nước để tăng doanh số, doanh thu.
Nokia cho biết chi tiêu mạng 5G sẽ nặng hơn trong nửa cuối năm nay. CEO Nokia Rajeev Suri cho hay các đối thủ của hãng nhiệt tình hơn về mặt thương mại trong giai đoạn đầu triển khai 5G. Việc một số khách hàng tái đánh giá lại nhà cung ứng vì rủi ro an ninh tạo ra áp lực trong thời gian ngắn, song sẽ là cơ hội trong dài hạn, ông Suri nhận định. Với ông, kết quả kinh doanh kém của hãng trong quý đầu không là điều bất ngờ và “hệ sinh thái 5G vẫn đang trưởng thành” cùng với cơ hội của Nokia.
Intel dừng sản xuất chip 5G
Intel đã công bố việc hãng rút khỏi thị trường mạng di động 5G vào đầu tháng này và lý do được CEO của Intel là ông Bob Swan cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng về cơ hội trong 5G và ‘đám mây hóa’ của mạng di động, nhưng trong kinh doanh modem cho smartphone, rõ ràng là không có con đường đảm bảo mang về lợi nhuận và dấu hiệu tích cực cho công ty”.
Trước đó do có sự tranh chấp về các điều khoản bản quyền với Qualcomm, Apple đã hợp tác cùng Intel để phát triển chip modem 5G trên những chiếc iPhone mới với mã XMM 8610. Tuy nhiên, Intel đã không đáp ứng được các yêu cầu từ Apple cũng như các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quá trình phát triển công nghệ 5G cho các dòng chip mới của Intel khiến Apple bị chậm chân hơn các đối thủ khác trên thị trường.
Nhưng không phải Intel sẽ bỏ hẳn “miếng bánh” 5G, CEO Bob Swan cho biết thêm rằng công ty này sẽ "hoàn thành đánh giá về các cơ hội phát triển chip modem 4G và 5G cho máy tính, internet kết nối vạn vật (IoT) và các thiết bị tập hợp dữ liệu khác," trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi các cơ hội đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng mạng 5G".
Đầu tư cho mạng 5G chưa bao giờ là rẻ, chính vì vậy các doanh nghiệp luôn hết sức cẩn trọng khi quyết định đầu tư. Bởi xây dựng mạng 5G là một khoản đầu tư rất lớn. GSMA, một tổ chức thương mại đại diện cho các nhà khai thác mạng di động, ước tính rằng việc triển khai 5G ở châu Âu sẽ mất 500 tỷ euro (568 tỷ USD). Nhưng một nghiên cứu gần đây của công ty kế toán PwC cho thấy chỉ một phần ba người tiêu dùng Mỹ sẽ sẵn sàng trả bất kỳ loại phí nào cho kết nối 5G. "5G là một khoản đầu tư lớn ... và vẫn còn những rào cản trong việc đưa ra để kinh doanh", Daniel Pataki, phó chủ tịch chính sách và quy định tại GSMA cho biết.
Như vậy có thể thấy rằng đang có sự chênh lệch giữa cung và cầu. Và để làm sao cho người tiêu dùng hiểu được giá trị mà 5G có thể mang lại. Terry Halvorsen, giám đốc thông tin của Samsung, cho biết các doanh nghiệp cần làm tốt hơn việc giải thích về lợi ích của 5G cho người dùng tiềm năng và hiểu cách khai thác giá trị của nó. Chỉ có bằng cách đó, công sức, tiền bạc mà các doanh nghiệp đổ vào R&D và phát triển hạ tầng 5G mới thật sự xứng đáng.