6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hồng Hương 22/10/2018 13:26

Tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã có 6 kiến nghị tới Quốc hội.

Vẫn còn tình trạng vi phạm trong đầu tư

Trình bày Báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.480 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 834 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.646 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Sẽ có 4 nội dung quan trọng được quyết định

    10:14, 22/10/2018

  • Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

    09:46, 22/10/2018

  • Những đổi mới lịch sử tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV

    05:00, 22/10/2018

  • Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV: Bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn CPTPP

    18:58, 18/10/2018

  • "Hiệp định CPTPP sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 10/2018"

    17:49, 13/09/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp

    10:41, 22/10/2018

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua cử tri và nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn; tăng cường công tác lập pháp và giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và Nhân dân kiến nghị.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực; tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018.

Nhiều bộ, ngành đã bước đầu tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ

Tuy nhiên, cũng tại Báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tình trạng ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, cử tri và Nhân dân còn phản ánh về một số vấn đề như: lãng phí trong đầu tư công; vi phạm trong đầu tư, khai thác, quản lý một số dự án BOT; chất lượng không bảo đảm của nhiều công trình giao thông, nhất là đường cao tốc; tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; công tác quản lý mạng xã hội còn bất cập.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ Công an tập trung trấn áp các loại tội phạm; các ngành chức năng ở trung ương và địa phương kiên quyết xử lý hành vi bao che vi phạm, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật của Nhân dân; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và tố giác tội phạm.

Cử tri và Nhân dân bất bình, lên án các hành động kích động tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của Nhà nước và Nhân dân, gây mất an ninh, trật tự tại một số địa phương trong thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội sáng 22/10

"Đề nghị các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là đối với những đối tượng cầm đầu, cấu kết với các thế lực thù địch. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý và định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước các hành vi kích động, kịp thời ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội, internet để kích động tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội", Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

Cùng với những vấn đề nêu trên, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trung ương, chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở; còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng về chương trình “Sữa học đường”; tình trạng đuối nước ở trẻ em gia tăng; còn nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ông Mẫn cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân ở một số nơi còn hạn chế, vẫn còn nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc, kéo dài, vượt cấp; công tác tiếp và đối thoại với người dân để giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức một số nơi chưa thực sự được quan tâm.

6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam

Theo Báo cáo, cử tri và nhân dân đã đề xuất các ý kiến, kiến nghị về kinh tế, xã hội; về quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường; về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; về xây dựng các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương 6 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác trong nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã kiểu mới.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề; xây dựng, ban hành chương trình sách giáo khoa mới đảm bảo chất lượng, đồng bộ và đầy đủ; chỉ đạo Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối cục bộ giáo viên; chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế khi triển khai xây dựng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp mới.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra, xử lý văn bản; thực hiện sơ kết, đánh giá việc thi hành Luật Ban hành VBQPPL để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ sáu, đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần đề cao hơn nữa trách nhiệm nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO