Tổng cục Thống kê cho biết trong 11 tháng năm nay khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,95 triệu lượt người, tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 81,9% so với trước dịch.
>>Khai thác thị trường du lịch nước ngoài
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2022, Việt Nam đón 569,9 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Thị trường châu Âu tăng trưởng rất tốt, tăng 48,2%, trong đó Pháp tăng 73,2%; Nga tăng 55,5%; Anh tăng 37,7%; Đức tăng 36,8%. Thị trường châu Mỹ tăng 22%; châu Á tăng 20%.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2022 có trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc nhiều nhất với 763,9 nghìn lượt, tương đương 26%, tiếp theo là Mỹ với 266,1 nghìn lượt, chiếm 9%.
Trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu, khu vực Đông Nam Á có Campuchia đạt 172,5 nghìn lượt, xếp thứ 3; Thái Lan: 153,5 nghìn lượt, xếp thứ 4; Singapore: 134,5 nghìn lượt, xếp thứ 6; Malaysia: 129,2 nghìn lượt, xếp thứ 7.
Trong tổng số 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 có 2,1 triệu lượt đến từ khu vực châu Á (chiếm 70,3%); 0,42 triệu từ châu Âu (11,1%); 0,32 triệu từ châu Mỹ (chiếm 10,9%); 0,13 triệu từ châu Úc (4,4%) và 0,01 triệu từ châu Phi (0,3%). Khách Hàn Quốc đóng góp 37% tổng số khách châu Á; Đông Nam Á đóng góp 34,7%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 11/2022, Việt Nam đón 27 nghìn khách từ Ấn Độ, tăng 31% so với tháng trước và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường Ấn Độ tiếp đà tăng trưởng
Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 109 nghìn lượt, xếp thứ 9 trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 49%/tháng.
Kết quả này cho thấy sức tăng trưởng rất tốt của thị trường tiềm năng này, nhờ vào các hoạt động tích cực xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường Ấn Độ và các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của 2 nước được kết nối và mở rộng.
>>Tạo đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng
Theo đó, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định Trung Đông là một thị trường lớn, gồm 17 nước với gần 400 triệu dân. Đây là những quốc gia nổi tiếng về dầu khí, mạnh về tài chính, tầng lớp giàu có nhiều, nhu cầu đi du lịch lớn và khả năng chi tiêu cao. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách các nước Trung Đông chi tiêu nhiều hơn 6,5 lần so với mức bình quân của toàn cầu, 40% du khách cá nhân chi tiêu nhiều hơn 10.000 USD mỗi chuyến đi.
Còn Ấn Độ là nước đang có dân số hơn 1,3 tỉ người. Năm 2019, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 169.000 lượt, trong top 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam. Khách Ấn Độ đến Việt Nam tháng 7 năm 2022 này cũng đạt 11.700 lượt và là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất. Vì thế, Trung Đông và Ấn Độ được xác định là những thị trường cần chú trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Ông Hà Văn Siêu khẳng định, do ảnh hưởng của dịch bệnh và bất ổn chính trị thì Ấn Độ và Trung Đông là hướng khai thác mới của du lịch Việt Nam: “Ấn Độ thì có dung lượng thị trường lớn còn Trung Đông thì có cơ cấu khách hạng sang, cao cấp và đa dạng. Chúng ta cần phải thấu hiểu nhu cầu và định hình được những sản phẩm phù hợp, kể cả các yêu cầu đặc thù của khách ở thị trường này như về cầu nguyện, về ẩm thực Halal,... thì cũng phải khẩn trương được thiết kế trong các chuỗi dịch vụ”.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn nhiều so với con số cả năm 2019 – thời điểm trước khi dịch xảy ra.
Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 29/11/2022
16:00, 28/11/2022
00:10, 03/10/2022
03:00, 30/09/2022