Quảng cáo smartphone đôi lúc đòi hỏi những thủ pháp mờ ám, khi mà các nhà sản xuất điện thoại phải tìm đủ mọi cách để thu hút được sự chú ý từ người tiêu dùng.
Nhưng những chiến thuật marketing mập mờ nào thường được các hãng sử dụng? Và làm thế nào bạn có thể phát hiện ra được? Hãy cùng tìm hiểu một vài trong số những mánh khóe marketing phổ biến nhất trong ngành công nghiệp smartphone trong bài viết dưới đây.
1. Giả mạo ảnh chụp
Một trong những chiêu trò thường được lợi dụng trong quảng cáo smartphone là sử dụng ảnh chụp bằng máy ảnh DSLR nhưng lại vờ như chúng được chụp bằng điện thoại. Huawei đã sử dụng chiến thuật này khá nhiều lần trước đây, như khi quảng cáo cho chiếc Huawei P9 năm 2016 và một thiết bị thuộc dòng Nova năm 2018. Vụ việc với chiếc Nova chỉ được phanh phui sau khi một người mẫu trong buổi chụp hình đăng lên Instagram tấm hình ở trên, cho thấy họ không thực sự chụp selfie mà có một thợ ảnh dùng máy ảnh DSLR để chụp họ.
Samsung cũng từng có ý tưởng tương tự: bộ phận của công ty ở Brazil đã đăng tải các bức ảnh stock lấy từ internet, nhưng lại tuyên bố là chụp từ chiếc Galaxy A8. Một vài vụ việc có thể xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của bộ phận marketing, chứ không hẳn là có dụng ý xấu, nhưng rõ ràng hành động này vẫn được xem là đánh lừa người tiêu dùng và là một nỗi thất vọng khi mà các camera smartphone ngày nay đã có chất lượng rất tốt rồi!
Hành động này còn khiến chúng ta tự hỏi: không biết đã bao lần bản thân bị đánh lừa bởi các nhà sản xuất điện thoại? Những trường hợp nêu trên chỉ là một vài trong số rất nhiều lần các công ty bị "bắt quả tang" mà thôi.
2. Mập mờ điểm benchmark
Điểm benchmark tổng hợp từ các ứng dụng không thể hiện đúng hiệu năng thực tế của một thiết bị, nhưng chúng thường sẽ cho chúng ta biết được sức mạnh của thiết bị khi so sánh với các đối thủ khác. Không may là các nhà sản xuất đã nắm được tâm lý người tiêu dùng, và mập mờ điểm benchmark nhanh chóng trở thành một chiến thật marketing smartphone phổ biến khác. Đây là chiến thuật của các hãng nhằm khiến chiếc điện thoại mới của họ trông hấp dẫn hơn hẳn so với giá trị thực sự của chúng.
Các nhà sản xuất smartphone (và thậm chí là các nhà cung cấp chipset) có thể biết được liệu một ứng dụng benchmark có đang chạy hay không để kích hoạt chế độ tăng cường hiệu năng của thiết bị. Chế độ tăng cường hiệu năng – hay những thứ tương tự như vậy – sẽ không quan tâm đến thời lượng pin, thay vào đó đẩy tốc độ hệ thống lên mức cao nhất nhằm thu được điểm benchmark ấn tượng. Nhưng sự thật là chế độ tăng cường hiệu năng "uống pin như nước lã" này không phản ánh chính xác hiệu năng thực tế của điện thoại so với khi chỉ chạy ở các thiết lập mặc định.
Một số công ty nổi tiếng đã sử dụng mánh khóe này, hoặc bị "bắt quả tang", trong nhiều năm trở lại đây bao gồm MediaTek, Huawei, Honor, Oppo, Xiaomi, và HTC.
3. Ảnh một đường, thiết bị một nẻo
Một chiến thuật marketing smartphone gây thất vọng khác là tung ra các hình ảnh/tranh vẽ/ảnh dựng điện thoại trông đẹp hơn thiết bị thực tế. Những điểm khác biệt có thể là viền mỏng hơn, tai thỏ nhỏ hơn, hay camera ít lồi hơn – tất cả đều được các hãng tận dụng để gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Một trong những vụ việc đáng chú ý liên quan hành động này chính là lần ra mắt chiếc smartphone Lenovo Z5. Khi đó, một lãnh đạo công ty đã đưa ra hình ảnh thiết kế một chiếc điện thoại không viền (ảnh trên), nhưng hóa ra, thiết bị thực tế lại có một tai thỏ khổng lồ theo kiểu iPhone. Một vụ việc khác là Huawei đã "cạo" bớt viền hai bên màn hình khỏi chiếc P8 vào năm 2015, trong khi thiết bị ngoài đời thực có viền khá dày.
4. Bán chớp nhoáng, hết hàng cũng chớp nhoáng
OnePlus là hãng đầu tiên sử dụng chiến thuật bán chớp nhoáng (flash sale), cụ thể là với chiếc OnePlus One nhằm tạo nhu cầu thị trường đối với thiết bị này. Họ chỉ bán một lượng giới hạn thiết bị trong một khoảng thời gian định trước, sau đó bạn sẽ không thể mua nó nữa (cho đến lần flash sale tiếp theo).
Dù một số hãng thực hiện flash sale một cách đàng hoàng, cân bằng được cung và cầu, nhưng một số công ty khác lại lợi dụng flash sale như một chiến thuật quảng cáo đơn thuần. Ý tưởng đằng sau hành động này là khi một sản phẩm được bán ra với số lượng nhỏ giọt, khan hiếm, sẽ có nhiều người muốn mua nó hơn. Xiaomi và Realme là hai công ty lớn chuyên flash sale thời gian qua.
Một trong những mánh khóa marketing smartphone nổi bật khác được các hãng tận dụng là "nổ" về doanh thu trong ngày đầu mở bán thiết bị, hay trong một đợt flash sale cụ thể. Ví dụ, một nhãn hiệu sẽ tự hào tuyên bố đã bán được số máy tương đương 1 triệu USD chỉ trong một ngày. Nhưng nếu mẫu máy đó có giá 1.000 USD, thì chẳng phải họ chỉ bán được 1.000 thiết bị thôi sao? Đó thực sự là một con số bé nhỏ tại các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, và Mỹ.
5. Mập mờ về thông số thiết bị
Một chiến thuật marketing đáng chú ý và gây phẫn nộ khác được các hãng smartphone sử dụng là "chém gió" về khả năng của thiết bị. Bạn hẳn từng nghe về việc một số hãng từ Oppo cho đến Samsung nói quá về khả năng zoom của các mẫu điện thoại mới, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi.
Nhiều nhãn hiệu smartphone khác còn đưa thông tin sai lệch về độ phân giải camera trên điện thoại của họ, nói rằng chúng có camera 8MP nhưng trên thực tế chỉ là 5MP được upscale lên 8MP. Tại sao họ không nói thẳng ra là camera thiết bị chỉ 5MP thôi, và phần mềm trên máy sẽ upscale ảnh chụp được lên 8MP?
Cũng liên quan đến camera, nhiều hãng quảng cáo rằng thiết bị của họ có các cụm camera 3 hoặc 4 ống kính, trong đó có các cảm biến macro… vô dụng. Tại sao? Camera góc siêu rộng có thể chụp macro được, miễn là chúng có khả năng lấy nét tự động, do đó một cảm biến macro riêng biệt rõ ràng là quá thừa thãi. Nhưng các nhà sản xuất muốn nhấn mạnh rằng cụm camera của họ có 3 hoặc 4 ống kính, nên họ phải thực hiện điều này.
Một chiến thuật marketing khác không đến mức nghiêm trọng như vậy, nhưng vẫn đáng bị nhắc đến ở đây: chỉ tiết lộ những chi tiết quan trọng. Thông thường, các nhà bán lẻ, nhà sản xuất, hay các đối tác khác của họ chỉ đưa thông tin về công nghệ màn hình (OLED hoặc LCD) và loại chipset trên website. Trong trường hợp thứ hai, chúng ta thường thấy họ ghi là "vi xử lý 8 nhân" chẳng hạn, nhưng ngoài đời thực, có một sự khác biệt rất lỡn giữa một con chip 8 nhân bình dân và một con chip 8 nhân cao cấp.
6. Trong suốt mà lại không trong suốt
Một xu hướng chúng ta từng thấy trong năm 2018 là các điện thoại trong suốt, như HTC U12 Plus và Xiaomi Mi 8 Explorer Edition – cả hai đều được quảng cáo là cho phép người dùng thấy được linh kiện bên trong thiết bị.
Sau đó, người ta phát hiện ra rằng bạn không thể thực sự thấy được bên trong điện thoại của Xiaomi, và công ty này cũng xác nhận rằng những linh kiện lộ ra kia chỉ là các linh kiện giả mà thôi. Chúng đúng là nằm bên trong máy, nhưng không phục vụ chức năng gì cả, chỉ đóng vai trò che bớt bo mạch thực sự bên dưới mà thôi. Đây sẽ không phải là một vấn đề lớn cho lắm nếu Xiaomi thành thật vào thời điểm ra mắt thiết bị, nhưng họ lại chọn cách nói dối.
7. Camera selfie trong màn hình?
Camera selfie trong màn hình được xem là "chén thánh" đối với smartphone, bởi nó sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm toàn màn hình thực sự (không tai thỏ, không nốt ruồi, không camera thò thụt). Lúc này, camera sẽ được đặt bên dưới màn hình, trở nên vô hình cho đến khi người dùng cần chụp selfie hoặc tiến hành một cuộc gọi video.
Có một hãng đã sử dụng khái niệm này và tìm cách "bẻ lái" để nó mang ý nghĩa khác. Realme nói rằng những chiếc điện thoại với camera selfie kiểu nốt ruồi là có "camera selfie trong màn hình". Đúng là camera selfie kiểu nốt ruồi nằm trong màn hình thật, nhưng khái niệm này đã được sử dụng từ nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, trước khi được sử dụng bởi Realme. Nó giống như việc bạn gọi camera điện thoại mình là "camera 8K" bởi nó có độ phân giải cao hơn 33MP vậy, chứ không phải vì nó thực sự quay được hay chơi được video 8K.
8. Đổi tên smartphone
Đây là một trong những chiến thuật marketing gây nhiều ý kiến trái chiều nhất, trong đó các công ty smartphone tung ra một chiếc điện thoại giống như họ từng tung ra trước đó, nhưng mang một cái tên mới. Các hãng thường sử dụng chiến thuật này là Huawei, Oppo, OnePlus, Realme, và Xiaomi.
Chiến thuật này thường được thực hiện nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong việc thiết kế một mẫu điện thoại mới từ con số không. Một lý do khác để các hãng làm việc này là bởi một nhãn hiệu có thể nổi tiếng ở một khu vực này, nhưng lại không nổi tiếng ở thị trường khác. Ví dụ, Redmi K30 4G được tung ra ở Trung Quốc với tên gọi như trên, nhưng tại Ấn Độ, nó được gọi là Poco X2.
Thoạt nhìn qua, đây không phải là chiến thuật marketing tồi tệ nhất trong danh sách này, nhưng điều đáng nói ở đây là sự thiếu minh bạch của nhà sản xuất trong lý do cũng như quá trình thực hiện việc đổi tên.