Sáng 18/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành xây dựng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay đã gây tổn hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội trên cả nước, trong đó có ngành Xây dựng.
Xác định bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết có 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng trong năm tới.
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị (Luật Đô thị), Luật Cấp, thoát nước; nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý không gian ngầm; hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hợp đồng xây dựng.
Báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 về việc quy định chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Triển khai thực hiện Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (Quyết định số 1296/QĐ-BXD ngày 29/11/2021)
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết định hướng nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết chặt chẽ giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch (quy hoạch đô thị với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh); kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Kiến trúc và các văn bản hướng dẫn. Nâng cao chất l¬ượng thiết kế kiến trúc, bảo tồn phát huy giá trị các di sản kiến trúc dân tộc; phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phù hợp với từng vùng, miền.
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị hiệu quả, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn.
Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng, trình Bộ Chính trị Nghị quyết về Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để chỉ đạo xuyên suốt công tác xây dựng hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững.
Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm |
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình và có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị quốc gia, nâng cấp đô thị quốc gia, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014).
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.
Tiếp tục triển khai “Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”.
Phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở trong giai đoạn thích ứng với dịch covid-19. Đẩy nhanh việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản.
Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, chất lượng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng. Tăng cường kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong thi công xây dựng; thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ, chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”, “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”, “Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình”.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện năng lực, hành nghề để quản lý chặt chẽ năng lực các cá nhân, tổ chức; xây dựng, thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tổ chức triển khai Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoàn thành Dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ sẽ tiếp tục công tác cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Xi măng Việt Nam; thực hiện thoái vốn nhà nước hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu theo kế hoạch được duyệt, tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra 2022, ưu tiên tập trung nhân lực và thời gian giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, thanh tra đột xuất; tiếp tục thực hiện việc tổng hợp bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và quy định của pháp luật qua thanh tra; nghiên cứu đề xuất Bộ trưởng điều chỉnh kế hoạch thanh tra phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác giám sát đoàn thanh tra, trách nhiệm người được giao nhiệm vụ giám sát và công tác xử lý sau thanh tra; đôn đốc việc thực hiện đối với các kết luận thanh tra.
Ngoài ra, Bộ cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành xây dựng giai đoạn đến 2030.
“Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2025. Phối hợp thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới” – Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
3 khâu đột phá của ngành Xây dựng trong năm 2022
12:24, 18/12/2021
Bước tiến cải cách thủ tục ngành xây dựng
12:30, 07/12/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 01/11: Cần "gói cứu trợ thủ tục" của ngành xây dựng
05:34, 01/12/2021
Cần “gói cứu trợ thủ tục” của ngành xây dựng: “Dư địa cải cách còn rất lớn”
19:10, 30/11/2021
Lao động ngành xây dựng "ngấm đòn sâu"
11:14, 30/09/2021