Đó là câu chuyện của Phạm Thị Kim Hằng người sáng lập Limart - organic & zero waste với hơn 200 sản phẩm xanh thân thiện môi trường.
Cơ duyên đưa Kim Hằng đến với kinh doanh những sản phẩm xanh bắt nguồn từ việc yêu thích tình nguyện. Hằng thường xuyên cùng bạn bè tổ chức nhiều hoạt động xin tài trợ để mua quần áo, sách vở và học bổng cho các em nhỏ vùng cao có hoàn cảnh khó khăn.
Hoạt động được một thời gian cô suy nghĩ từ thiện muốn bền lâu không thể dựa vào tiền ủng hộ của mạnh thường quân mãi được. Nên Hằng quyết định kinh doanh để có tiền làm từ thiện. Vốn là người trẻ có thói quen tiêu dùng xanh khi còn là sinh viên, Hằng nghĩ, tại sao mình không từ dự án xanh, mang những sản phẩm tiêu dùng xanh đến cho người tiêu dùng ở phân khúc thấp, những người cần được tiếp cận với sản phẩm xanh trong tiêu dùng hằng ngày.
Với sản phẩm xanh làm từ thiên nhiên, người tiêu dùng vừa có thể tiết kiệm chi tiêu, vừa bảo sức khỏe cho gia đình mà vẫn góp phần bảo vệ , hay vì các hoạt động kêu gọi kêu gọi bảo vệ môi trường thì hoạt này này hiệu quả hơn.
Với thói quen tiêu dùng xanh, người dân sẽ gián tiếp tham gia vào hoạt động từ thiện vì cửa hàng sẽ trích phần trăm lợi nhuận để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa; thì lúc đó hoạt động từ thiện sẽ không phụ thuộc vào việc xin ủng hộ.
Theo Kim Hằng sản phẩm xanh tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc này người tiêu dùng đa phần đã có ý thức sản phẩm xanh, về môi trường.
"Mình muốn tìm một giải pháp nào đó cho những phân khúc thấp hơn, để đại đa người tiêu dùng có thể tiếp cận được sản phẩm xanh: xà phòng thiên nhiên, nước rửa chén, giặt đồ sinh học, miếng rửa chén từ xơ mướp, bàn chải tre… những sản phẩm này thay thế đồ nhựa mà giá mềm, dễ tiếp cận” Kim Hằng chia sẻ.
Hơn 200 sản phẩm tại shop đều làm từ thiên nhiên của những bạn trẻ khởi nghiệp handmade, những bạn khuyết tật. Sản phẩm tại đây có giá dao động từ 4.000 - 400.000 đồng.
Cửa hàng của Kim Hằng như một tiệm tạp hóa nhỏ bán tất cả những nhu yếu phẩm thiết yếu có thể thay thế các sản phẩm trong gia đình: hộp đựng cơm, ly uống nước, bàn chải, cạo râu... có những phân khúc sản phẩm chăm sóc cơ thể (xà bông, nước hoa, dầu gội dầu xả, son, kem dưỡng, tinh dầu), sản phẩm chăm sóc nhà cửa (tô chén gáo dừa, nước rửa, nước chén lau nhà), quà tặng (quà lưu niệm đồ đá, búp bê, bông hoa, sổ tay, bút tre), thời trang tái chế (túi xách, ba lô, bóp ví), quần áo kí gửi tái sử dụng...
Để tìm được 200 sản phẩm xanh thay thế tiêu dùng hằng ngày, Hằng phải đi rất nhiều nơi để tìm nhà cung cấp. Lúc đầu tranh thủ những giờ nghỉ trưa để chạy xuống tận Long An làm việc với nhà cung cấp.
Sau một thời gian làm 2 việc cùng lúc, Hằng thì quyết định nghỉ luôn công việc đang làm tại một công ty lớn để dành toàn thời gian cho “tiệm ”.
“Những thời gian đầu, có những ngày không bán được đồng nào, khó khăn và áp lực từ gia đình, bạn bè khi từ bỏ công việc ổn định ra kinh doanh những sản phẩm không giống ai. Ba mẹ hơi thất vọng về cô con gái được đầu tư ăn học ngành hàng không, đang có công việc ổn định giờ ra bán “tạp hóa". Nhiều đêm mở laptop nhập đơn hàng mà nước mắt cứ rơi vì cảm giác mình chưa làm được gì cho ba mẹ tự hào. Nhưng thôi, tuổi trẻ thì cứ bầm dập đi vì đời cho phép”.
Theo Hằng, khoảng thời gian đó, mọi người chưa hiểu giùm mình, chưa hiểu được những việc mình làm. Nhưng vì đam mê quá lớn nên vượt qua tất cả giờ doanh thu đã bắt đầu ổn định và nhiều người biết đến thương hiệu, sản phẩm.. Điều khó khăn nhất là nhiều người chưa có kiến thức nhiều về tiêu dùng xanh nên phải mất thời gian khá lâu để mang sản phẩm đến người tiêu dùng.
Sắp tới dự án sẽ có những sản phẩm tái chế từ lốp xe hay là túi nilông. Dự án sẽ triển khai cho người khuyết tật, để họ vừa có việc làm kiếm thêm thu nhập vừa có sản phẩm xanh bán ra thị trường.
Hằng cho biết túi nilông thải ra môi trường thường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt… tất cả biện pháp trên đều ô nhiễm trầm trọng. Dự án sẽ tiến đến thu gom bao nilông xử lý vệ sinh, sau đó đưa vào chiếc máy dệt thành sợi và làm túi đi chợ. Còn lốp xe sau khi qua các công đoạn xử lý màu sẽ là phương pháp thay thế da: ví nam, dây nịt... điều quan trọng của sản phẩm này thiết kế phải thật tinh tế và đẹp thì người tiêu dùng mới sẵn sàng chấp nhận thay thế. Mục tiêu là biến những sản phẩm đó thành những sản phẩm tiêu dùng thiết thực cho người dân, họ mua gì lợi ích thật sự của chính họ thì mới bền lâu.
Khi được hỏi về thông điệp của Limart - organic & zero waste, cô chủ “tiệm tạp hóa xanh” cho biết: Ít xả thải cuộc sống tốt hơn, ít hóa chất nhiều sức khỏe hơn, ít lo lắng hạnh phúc nhiều hơn