Tại kỳ họp lần này các thành viên ABAC nhấn mạnh việc cần phải kiên trì, hợp tác và có chính sách đúng đắn, để vượt qua các thách thức về kinh tế và y tế trước đại dịch COVID-19.
Ngày 11/5/2021, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương đã gặp gỡ trong kỳ họp trực tuyến của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Chủ tịch ABAC Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng các thành viên và Ban Thư ký đã tham gia kỳ họp.
Tại kỳ họp lần này các thành viên ABAC nhấn mạnh việc cần phải kiên trì, hợp tác và có chính sách đúng đắn, để vượt qua các thách thức về kinh tế và y tế trước đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Hon. Damien O’Connor đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc Kỳ họp quan trọng này của ABAC.
ABAC cho biết Hội đồng đang hoàn thiện báo cáo để trình lên các Bộ trưởng Thương mại APEC trong kỳ họp các Bộ trưởng Thương mại APEC sẽ được tổ chức vào tháng 6/2021 tới. ABAC cũng cho rằng hiện nay là thời khắc quan trọng để cùng hợp tác và kiểm soát đại dịch Covid-19 thông qua việc mở rộng tiêm chủng. Và thương mại khu vực phải là yếu tó tham gia góp phần quan trọng vào nỗ lực này bằng cách hỗ trợ sản xuất, phân phối và mua bán vắc xin và các vật tư y tế khác.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc WTO đã tham gia và phát biểu với các thành viên ABAC, nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại đa phương, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu như vaccine và các thiết bị y tế.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên nhiều nền kinh tế, bao gồm cả các nền kinh tế của khu vực APEC đang chịu ảnh hưởng nặng nề như Papua New Guinea và Ấn Độ. Vì vậy ABAC kêu gọi APEC chia sẻ vắc xin giữa các nền kinh tế và hành động khẩn cấp để đạt được tiêm chủng nhanh nhất và rộng rãi nhất, bao gồm cả việc thông qua sáng kiến COVAX.
ABAC cho rằng tiêm chủng là một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Khi đại dịch được kiểm soát, ABAC đặt ra các ưu tiên rất rõ ràng: mở lại biên giới mạch lạc, an toàn thông qua tiêm chủng và xét nghiệm; chuỗi cung ứng xuyên biên giới linh hoạt hơn thông qua việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan thúc đẩy thương mại kỹ thuật số; và giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ ….
ABAC cho rằng cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới cũng là một ưu tiên hàng đầu. ABAC thông qua Tuyên bố WTO, kêu gọi APEC đi đầu trong việc hình thành một tổ chức mạnh mẽ, đáng tin cậy và phù hợp - một tổ chức có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề mới nổi như thương mại kỹ thuật số, khử cacbon, và phát triển bao trùm.
Các đại biểu tham dự kỳ họp cho rằng COVID đặt ra một mối đe dọa ngay lập tức, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến thách thức lớn tiếp theo: biến đổi khí hậu. ABAC đang phát triển một bộ các nguyên tắc dẫn đầu về khí hậu để áp dụng quá trình chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế các-bon thấp và ủng hộ các đòn bẩy thương mại để giúp đạt được tính bền vững cao hơn.
Tầm nhìn Putrajaya của APEC kêu gọi xây dựng một cộng đồng cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040. ABAC hoàn toàn đồng ý hơn với nguyện vọng đó - và trọng tâm năm 2021 của ABAC nhấn mạnh tầm quan trọng của Con người, hành tinh của chúng ta, và duy trì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Có thể bạn quan tâm