ADB công bố quỹ IF-CAP, tài trợ hàng tỷ đô la chống biến đổi khí hậu

L.MỸ 02/05/2023 16:00

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 56 của ADB tại Incheon (Hàn Quốc) vừa khai mạc, ADB đã công bố quỹ đổi mới IF-CAP, tăng cường hàng tỷ đô la hỗ trợ khu vực.

>>Phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết thách thức biến đổi khí hậu

Cụ thể trong hôm nay, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Quỹ Tài chính Đổi mới cho Khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương (IF-CAP), một chương trình mang tính bước ngoặt có thể tăng cường hỗ trợ đáng kể cho khu vực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Những người tham gia cuộc họp thường niên lần thứ 56 của Ngân hàng Phát triển Châu Á đi ngang qua các gian hàng triển lãm được chuẩn bị sẵn bên trong Songdo Conventia, Incheon, Thứ Hai. Korea Times ảnh của Choi Won-suk

Những thành viên tham gia cuộc họp thường niên lần thứ 56 của ADB đi ngang qua các gian hàng triển lãm được chuẩn bị sẵn bên trong Songdo Conventia, Incheon trong phiên khai mạc hôm nay. Ảnh: Choi Won-suk - Korea Times 

Thông báo này được Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đưa ra vào ngày khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 56 của ADB tại Incheon.

Ông Asakawa cho biết: “Biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng trong đời của chúng ta và ở đây, tại Châu Á và Thái Bình Dương, chúng ta đang ở tuyến đầu của trận chiến đó. Các sự kiện khí hậu mà chúng ta đã trải qua trong 12 tháng qua sẽ chỉ gia tăng về cường độ và tần suất, vì vậy chúng ta phải hành động mạnh mẽ ngay bây giờ. IF-CAP là một chương trình sáng tạo đầy hứng khởi và sẽ có tác động thật sự. Và đó là một ví dụ nữa về cam kết của chúng tôi trong việc phục vụ với vai trò là ngân hàng khí hậu cho Châu Á và Thái Bình Dương”.

Các đối tác ban đầu của IF-CAP là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Các đối tác này đang thảo luận với ADB về việc cung cấp một loạt các khoản viện trợ không hoàn lại để chuẩn bị dự án cùng với bảo lãnh cho một phần danh mục khoản vay chính phủ của ADB. Rủi ro được giảm đi do các khoản bảo lãnh tạo ra sẽ cho phép ADB giải phóng vốn để đẩy nhanh các khoản vay mới cho các dự án khí hậu. Với mô hình "1 đô-la vào, 5 đô-la ra", tham vọng ban đầu là 3 tỷ đô-la bảo lãnh có thể tạo ra những khoản vay mới lên tới 15 tỷ đô-la cho các dự án khí hậu cấp bách trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương. Một cơ chế đảm bảo đòn bẩy cho tài trợ khí hậu chưa từng được một ngân hàng phát triển đa phương nào áp dụng từ trước đến nay.

Tài trợ của IF-CAP sẽ đóng góp vào tham vọng đã đề ra của ADB về 100 tỷ đô-la từ nguồn lực của mình để chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2019-2030. ADB đang thảo luận với các đối tác tiềm năng—chẳng hạn như các nguồn, quỹ song phương và đa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức từ thiện, bao gồm Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh—để thúc đẩy đầu tư khí hậu.

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO tháng 4/2023), ADB cho biết, châu Á và Thái Bình Dương đang đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Khu vực này chiếm tới 70% dân số toàn cầu đang đối mặt rủi ro do mực nước biển dâng. Đồng thời, nơi đây cũng chiếm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2019. Sẽ không thể đạt được các mục tiêu kinh tế và phát triển của Châu Á - Thái Bình Dương đồng thời với việc tránh được rủi ro khí hậu thảm khốc nếu không chuyển đổi mô hình tăng trưởng của khu vực, theo nhận định trong báo cáo.

Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải nhanh chóng thay thế than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác bằng các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn các “bể chứa các-bon”, chẳng hạn như rừng. Kết quả là, tới năm 2030, phương pháp tiếp cận phát thải ròng bằng không toàn cầu có thể cứu sống khoảng 350.000 người mỗi năm ở châu Á và Thái Bình Dương nhờ giảm ô nhiễm không khí. Nó cũng có thể tạo thêm 1,5 triệu việc làm trong ngành năng lượng vào năm 2050.

Báo cáo cũng nhận định rằng với kịch bản ấm lên toàn cầu trung bình gần 4°C vào năm 2100, những tổn thất do biến đổi khí hậu sẽ tăng dần theo thời gian, dẫn đến thiệt hại lên tới 24% GDP của châu Á đang phát triển vào cuối thế kỷ này.

Báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào ba lĩnh vực chính: định giá các-bon và cải cách trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và sử dụng đất, các quy định và cơ chế khuyến khích huy động tài chính và thúc đẩy năng lượng sạch hơn, và bảo trợ xã hội và hỗ trợ việc làm để bảo đảm công bằng.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm

  • ADB: Trái phiếu Việt Nam vẫn tăng trưởng nhờ trái phiếu Kho bạc và Chính phủ bảo lãnh

    ADB: Trái phiếu Việt Nam vẫn tăng trưởng nhờ trái phiếu Kho bạc và Chính phủ bảo lãnh

    16:59, 28/03/2023

  • ADB: Nhiều “cơn gió ngược” hạn chế tăng trưởng năm 2023

    ADB: Nhiều “cơn gió ngược” hạn chế tăng trưởng năm 2023

    12:23, 05/04/2023

  • ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 75 triệu USD

    ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 75 triệu USD

    16:52, 06/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ADB công bố quỹ IF-CAP, tài trợ hàng tỷ đô la chống biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO