Trong số các doanh nghiệp nhà nước nhận hạn chót cổ phần hóa vào năm 2020, quy mô lớn nhất phải kể đến Agribank.
Với đặc thù của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) sở hữu khối tài sản lên đến 1,28 triệu tỷ đồng tính đến hết năm 2018. Nhưng không chỉ tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của Agribank cũng lớn nhất trong số các doanh nghiệp phải cổ phần hóa, lên đến trên 56.700 tỷ đồng.
Lợi nhuận của ngân hàng này cũng "khủng" nhất với trên 7.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2018. Năm 2019 dự kiến con số còn lớn hơn nhiều khi chỉ riêng 7 tháng đầu năm nay, Agribank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 8.200 tỷ đồng. Agribank thuộc diện Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ trở lên sau khi tiến hành cổ phần hóa.
Có thể bạn quan tâm
19:54, 08/07/2019
15:36, 05/07/2019
Tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra gần đây, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết việc cổ phần hoá Agribank bắt đầu từ năm 2017. Năm 2018 Bộ Tài chính đã hướng dẫn rà soát đất đai. Tuy nhiên do quy mô rất lớn nên sau một năm rưỡi mà phương án sử dụng đất vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến chậm trễ cổ phần hoá.
Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, Agribank nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân hàng này sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2018, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, Ngân hàng đã chuẩn bị cho quá trình cổ phần hoá và chỉ đang đợi phê duyệt của NHNN để thực hiện. Dự kiến, phương án cổ phần hóa của Agribank được phê duyệt vào ngày 1/10 và đến cuối năm 2018 sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank cũng thừa nhận sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, phương án chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng sớm nhất phải đến năm 2020 mới có thể làm. Trong các khó khăn đó, thì xác định giá trị đất khi cổ phần hoá là một trong những công việc phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.
Ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết Agribank hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.
Một khó khăn nữa của Agribank là vốn điều lệ đang ở mức rất thấp, không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính. Cụ thể, mức vốn điều lệ nhiều năm không được cải thiện đáng kể đã kéo tụt Agribank từ vị thế đứng đầu hệ thống về tiêu chí vốn xuống cuối cùng trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước và chỉ ngang bằng vốn ở một số ngân hàng cổ phần. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2012 (lúc ngân hàng thực hiện đề án tái cơ cấu), mức vốn điều lệ là 26 nghìn tỷ đồng và từ đó đến nay, Chính phủ mới cấp thêm vốn điều lệ cho Agribank là 3.000 tỷ đồng tiền mặt.
Đáng chú ý, trong tổng số vốn điều lệ 29.000 tỷ đồng hiện nay thì có 3.590 tỷ đồng được cấp bằng trái phiếu đặc biệt từ 2003, lãi suất 3,3%, thời hạn kết thúc vào 2023 (20 năm). Khi đến hạn, số trái phiếu này hết giá trị thì vốn điều lệ của ngân hàng lại tụt xuống.
Bởi vậy, Agribank đã có đề án trình Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ cấp bổ sung 20.200 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2020 nhưng đến nay số này vẫn chưa được phê duyệt. “Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế”, ông Trịnh Ngọc Khánh cho hay.