Khoáng sản là nguồn tài nguyên Quốc gia nên việc bảo vệ, khai thác đòi hỏi phải thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, nghiêm cấm cá nhân, tổ chức vi phạm.
Thực trạng khai thác khoáng sản, trong đó có những chủng loại quý như vàng, quặng, đá trắng…luôn trở thành vấn đề “nóng” lâu nay ở các địa phương có nguồn trữ lượng mỏ lớn, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp các quy định của pháp luật ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện, con người vào khai thác khoáng sản trái phép, thu lợi bất chính. Đặc biệt, nhiều vụ việc tồn tại suốt thời gian dài khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi liệu có sự “bảo kê” của một thế lực nào đó nên họ mới công nhiên làm những việc trái với quy định của pháp luật như vậy?
Bởi mới đây tại Nghệ An, đích thân giám đốc Công an tỉnh này đã phải thân chinh chỉ huy lực lượng gồm hàng trăm con người dưới quyền để trực tiếp đến hiện trường bắt quả tang 01 vụ việc khai thác khoáng sản (đá trắng) trái phép tại núi Phá Chủng, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp vào chiều ngày 13/7 vừa qua khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Tại thời điểm lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang khu vực mỏ khai thác đá trắng trái phép đã kê biên thu giữ 5 máy xúc, 01 ô tô tải, 4 máy cắt đá và 02 máy khoan đang phục vụ cho công trường tại khu vực núi Phá Chủng.
Khai trường tan hoang, hàng trăm m2 đất núi bị đào bới, xáo trộn. Nhìn từ xa, người dân lẫn cơ quan chức năng cũng không khó để có thể phát hiện ra ngọn núi Phá Chủng, nơi mà hoạt động khai thác đá diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” làm biến dạng cả bình đồ địa chất khu vực này.
Còn dấu vết tại thực địa, tại thời điểm bắt giữ quả tang hành vi tổ chức khai thác đá trái phép, nhiều người cũng không khó để quan sát, nhận định điểm mỏ này được phá nát từ suốt thời gian qua.
Cũng tại hiện trường vào thời điểm nói trên, Công an tỉnh Nghệ An đã đo đếm được có khoảng 800m3 đá trắng đã khai thác ước tính giá trị khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Chủ của mỏ đá khai thác trái phép này là Trần Văn Bảy (SN 1970) trú tại xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đã bị tạm giữ sau đó vì có hành vi khai thác đá trái phép.
Đây mới chỉ là một trong những vụ việc “rút ruột” trái phép nguồn tài nguyên Quốc gia trái phép được phát hiện, bắt quả tang tại huyện Quỳ Hợp, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” đá trắng của tỉnh Nghệ An.
Và, cũng chính tại địa phương này, nhiều đại gia cũng đã nhanh chóng phất lên, đổi đời cũng như có “xưng hùng, xưng bá” trong giới tài chính, tiền tệ… những năm gần đây ở xứ Nghệ nhờ khoáng sản, khai thác mỏ.
Đi cùng với đó, nhiều hệ luỵ về ô nhiễm môi trường, thiên tai, lũ lụt cũng đã khiến vùng núi miền Tây xứ Nghệ An nơi đây cũng chẳng thể giữ được nếp yên bình được nữa do tình trạng cấp phép khai thác mỏ khoáng sản của cơ quan chức năng mọc lên như nấm trong gần 10 năm trở lại đây…
Trở lại với vụ việc bắt giữ Trần Văn Bảy vì có hành vi tổ chức khai thác khoáng sản trái phép ở huyện Quỳ Hợp vào ngày 13/7 thì đến nay, dư luận vẫn chưa thể trả lời được rằng, tại sao với quy mô khai thác như vậy, diễn ra suốt thời gian dài mà cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương không hề ngăn chặn, xử lý?
Trong khi đó, từ ngày 01/6/2017, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn bằng Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND.
Quyết định 47 cũng giao cho Chủ tịch UBND huyện chủ trì phổ biến và triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo, hoặc thành lập lực lượng thường trực và giao cán bộ phụ trách cụ thể theo từng địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi vi phạm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Nghệ An cũng kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Cùng với đó, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật để từng cấp có thẩm quyền địa phương vận dụng vào việc quản lý, điều chỉnh…
Khi lý giải cho vấn đề vì sao vụ việc tại núi Phá Chủng tồn tại suốt thời gian dài như vậy nhưng đến khi giám đốc Công an tỉnh trực tiếp lên chỉ huy lực lượng chức năng bắt quả tang mà không phải ngăn chặn từ trước đó, ông Lê Sỹ Hào - Trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp trả lời báo chí rằng địa phương đã có kiểm tra, phát hiện nhưng do dịch bệnh COVID -19 nên chưa mời người vi phạm liên quan lên làm việc được?!
Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cũng có câu trả lời “y nguyên” với cấp dưới của mình là vụ việc đã được phát hiện, lập biên bản từ ngày 18/6 nhưng do COVID -19 nên chưa xử lý được?
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Vây bắt điểm khai thác đá trắng trái phép quy mô lớn
03:20, 16/07/2021
Vi phạm trong khai thác khoáng sản, doanh nghiệp bị phạt 520 triệu đồng
16:24, 08/07/2021
Khởi tố Giám đốc doanh nghiệp vi phạm quy định về khai thác tài nguyên
10:50, 02/07/2021
Nghệ An: “Nơm nớp” vì mỏ đá Tùng Cường?
11:01, 11/06/2021
Tiếp bài “nơm nớp” vì mỏ đá Tùng Cường ở Nghệ An: Kiến nghị thu hồi một phần diện tích mỏ
17:00, 06/07/2021