Ai chơi trò đuổi bắt… trách nhiệm?

Trương Khắc Trà 17/10/2018 13:00

Khi trách nhiệm còn chơi trò đuổi bắt thì nhiều sai phạm vẫn còn tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật. Âu cũng là kết quả dĩ nhiên.

Trách nhiệm là thứ mà người dân muốn được thấy ai đó phải “chịu” mỗi khi có sự cố. Trong một nhà nước pháp quyền mọi thứ được điều chỉnh dưới bàn tay luật pháp không thể thiếu những người được giao quyền nảy vệt mực đúng chỗ.

Có hàng triệu người được giao quyền, dù lớn hay nhỏ, vì vậy một chuyện bất kể nhỏ hay lớn xảy ra dưới gầm trời trong phạm vi lãnh thổ ắt phải có người chịu trách nhiệm. Đó là cơ chế tự nhiên.

Mấy ngày qua, dù nhiều chuyện làm xôn xao dư luận nhưng không thể vùi lấp sự cố thương tâm ở Long An, nhiều học sinh bị điện giật tử vong trước cổng trường, một số bị thương nằm viện.

Lại thêm nỗi lo với các vị phụ huynh, sau bạo lực học đường, đạo đức xuống cấp của một số giáo viên, giờ đây hoạn nạn “ngoài ý muốn” có thể đổ lên đầu các em bất cứ lúc nào, bất khả kháng chăng?

Hiện trường thương tâm ở Long An

Hiện trường thương tâm ở Long An

Phải chăng, nhà chức trách muốn đó là sự cố “ngoài ý muốn”, đơn giản thôi, vì đó là “bằng chứng” xác đáng nhất để nhẹ bớt trách nhiệm. Điện giật chết người trước cổng trường ban đầu xác định nguyên nhân do… sét đánh làm đứt dây điện trung thế 22Kv!

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ sập giàn giáo hầm Thủ Thiêm: Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân và tổ chức liên quan

    Vụ sập giàn giáo hầm Thủ Thiêm: Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân và tổ chức liên quan

    11:00, 16/10/2018

  • Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm về những chứng chỉ ngoại ngữ

    Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm về những chứng chỉ ngoại ngữ "không phù hợp?

    14:48, 15/10/2018

  • Dự án bị ngân hàng siết nợ: Ai chịu trách nhiệm trước thiệt hại của khách hàng?

    Dự án bị ngân hàng siết nợ: Ai chịu trách nhiệm trước thiệt hại của khách hàng?

    11:06, 13/10/2018

  • Dự án Tokyo Tower bị siết nợ (KỲ II): Ngân hàng lờ trách nhiệm?

    Dự án Tokyo Tower bị siết nợ (KỲ II): Ngân hàng lờ trách nhiệm?

    09:30, 09/10/2018

Nếu không có gì thay đổi, đó là kết luận “vững vàng” nhất mà rằng, chúng ta - chỉ có thể nhìn nhau lắc đầu. Kiện ai?Ai kiện? Kiện… ông trời sai khiến thiên lôi cầm búa giáng xuống những sinh linh bé nhỏ?

Ông Trời nào ác đến thế? Nếu ông Trời quả ác như vậy người đời không ngửa mặt lên trời than ôi… mỗi khi gặp oan trái. Rút cục tìm trách nhiệm nơi đâu? Thật ngớ ngẩn nếu đổ hết lỗi do thiên tai - một “thế lực” mà từ cổ chí kim con người tìm cách phòng chống, thích ứng để tồn tại.

Cớ sao một mối nguy hiểm đùng đoàng treo trên cổng trường bao nhiêu năm nay không ai lên tiếng. Đó là câu chuyện rất dài.

Vài năm trước, khi gia chủ vắng nhà, nhà thầu xây lắp điện tự ý kéo đường dây hạ thế qua góc vườn, chuyện sẽ chẳng vỡ ra nếu gần đây anh bạn tôi không cơi nới căn nhà của mình.

Thế là mái nhà sau chạm vào dây điện, thấy nguy hiểm anh kêu cứu khắp nơi nhưng không ai trả lời, đợt rồi có người của điện lực xuống “thăm”, họ giải thích rằng, đường điện do bên nhà thầu thi công, chuyện này không phải trách nhiệm của ngành điện!

Một chuyện tưởng chừng rất nhỏ, cũng giống như đường dây trung thế đi qua cổng trường nọ. Nhưng nhỡ không may bị nạn, cơ quan nào chịu trách nhiệm trong trường hợp này? Phận dân đen như con sâu cái kiến - có lẽ chỉ biết ngửa cổ lên trời mà kêu không thấu.

Mạng xã hội đang huyên náo về vợ chồng cô ca sĩ nổi tiếng, sau những phát ngôn làm dậy sóng dư luận, một loạt câu hỏi đặt vào nơi tọa lạc ngôi biệt phủ rộng mênh mông ở Sóc Sơn (Hà Nội).

Chính quyền huyện tổ chức họp báo thông tin, câu trả lời được quan tâm nhất là “Đây là các công trình vi phạm lớn ở những giai đoạn trước nên sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND huyện đã báo cáo UBND TP để có sự thống nhất với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ NN và PTNT đề xuất hướng xử lý”.

“Những giai đoạn trước” được xác định là những năm 2006 - 2008, tức là mười năm nay vẫn chình ình sai phạm, những “người đương thời” liệu có thể “ngắt đoạn” và ngụ ý cho rằng, không phải do mình?.

Nếu muốn tìm trách nhiệm buộc phải quay ngược lịch sử, mà có lẽ người mất, người còn, có người thậm chí… chẳng nhớ gì.

Một công trình đã có kết luận vi phạm của Thanh tra Chính phủ, phải mất thêm nhiều năm để chờ cấp trên tháo gỡ, đề xuất hướng xử lý. Chẳng phải tất cả đã có luật điều chỉnh, khung hình phạt nặng nhẹ ra sao đều có giấy trắng mực đen.

Trình tự cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trên đất trái phép được quy định rất rõ ràng tại Luật đất đai năm 2013; Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Nghị định 166/2013/NĐ-CP; Nghị định 121/2012/NĐ-CP và Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Sao lại phải đề xuất?

Khi trách nhiệm còn chơi trò đuổi bắt thì nhiều sai phạm vẫn còn tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật. Âu cũng là kết quả dĩ nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ai chơi trò đuổi bắt… trách nhiệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO