Thị trường chứng khoán được token hoá toàn cầu dự kiến sẽ vượt 16 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ tham gia nếu ETF Việt Nam được token hóa?
Token hóa các tài sản thực đồng nghĩa với việc chuyển các tài sản này lên blockchain, biến chúng thành loại tài sản số mới với nền tảng gắn liền với tài chính thực.
Như đã đề cập theo Dự án thí điểm token hoá ETF nhằm tạo ra các sản phẩm tài chính đổi mới được bảo chứng bằng tài sản thực (RWAs) và cung cấp bởi các công ty tài chính dưới sự giám sát của cơ quan quản lý do Dragon Capital xây dựng, token hóa ETF - tức mã hóa sản phẩm chứng chỉ quỹ, hoặc lợi nhuận được đại diện kỹ thuật số dưới dạng token và có tất cả các đặc điểm của token trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Theo đó, Dragon Capital cho rằng, với mức độ chấp nhận tài sản số cao của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, tiềm năng đưa các tài sản thực (RWAs) lên blockchain thông qua token hóa là rất lớn. Điều này mở ra cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường vốn được quản lý.
Các nhà xây dựng dự án cũng cho rằng quy mô thị trường tiềm năng cho quỹ được token hoá tại Việt Nam là rất đáng kể. Khi công nghệ trưởng thành và được chấp nhận rộng rãi, nó sẽ thu hút đa dạng đối tượng nhà đầu tư, từ cá nhân đến tổ chức, dẫn đến sự phát triển đáng kể trong thị trường vốn của đất nước.
Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group (2022), thị trường chứng khoán được token hoá toàn cầu dự kiến sẽ vượt 16 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Dự báo này cho thấy cơ hội lớn để thị trường vốn Việt Nam tham gia vào xu hướng số hoá tài chính, có khả năng trở thành động lực chính để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế.
Nhưng để đạt hiệu quả thúc đẩy giao dịch tài sản số và tăng tính minh bạch hóa trên sàn giao dịch tập trung, việc việc triển khai thí điểm token hoá ETF tại Việt Nam sẽ yêu cầu sự hợp tác và tham gia của nhiều bên để đảm bảo sự thành công. Vòng đời và quy trình tham gia dự án token hóa ETF theo đó đòi hỏi sự hiện diện các bên:
Cơ quan quản lý gồm Bộ Tài chính (MoF) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đóng vai trò chủ chốt trong việc điều phối, giám sát và theo dõi hoạt động của dự án, cũng như tương tác với các bên liên quan.
Nhà cung cấp chỉ số: Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chỉ số cho các ETF được token hoá.
Công ty quản lý quỹ: Các công ty quản lý quỹ sẽ chịu trách nhiệm tạo và quản lý các ETF được token hoá. Theo Dragon Capital, các công ty này cần thiết kế các chiến lược đầu tư, quản lý tài sản cơ bản, đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn đầu tư và yêu cầu pháp lý. Hiện Việt Nam đã và đang có các công ty quản lý quỹ đáp ứng được yêu cầu này.
Tổ chức lưu ký: Các ngân hàng lưu ký hoặc tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản cơ bản của các ETF được token hoá, đảm bảo việc lưu trữ và chuyển giao tài sản số an toàn, giảm thiểu rủi ro trộm cắp hoặc gian lận.
Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán: Các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể hỗ trợ hệ sinh thái của ETF được token hoá bằng cách cung cấp các dịch vụ như xử lý thanh toán cho các giao dịch liên quan đến ETF được token hoá.
Sàn giao dịch tài sản số: Tham gia vào việc niêm yết chính và hỗ trợ giao dịch trên thị trường thứ cấp cho ETF được token hoá; Đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường và cung cấp thanh khoản cho ETF được token hoá; Hoàn thành quy trình KYC cho nhà đầu tư mua và bán ETF được token hoá.
Ngoài ra, theo các nhà xây dựng Dự án, việc tham gia cũng cần có các bên và mở ra cơ hội cho chính các tổ chức, nhà đầu tư. Đó là nhà cung cấp công nghệ và blockchain - Các công ty chuyên về công nghệ blockchain và hệ thống quản lý tài sản số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cho các ETF được token hoá.
Thị trường cũng cần có sự hiện diện của các Công ty kiểm toán và kế toán: Các công ty kiểm toán và kế toán độc lập cung cấp sự đảm bảo và tính minh bạch trong việc quản lý và báo cáo tài sản được giữ bởi các ETF được token hoá. Các cuộc kiểm toán của những công ty này có thể tạo niềm tin về sức khoẻ tài chính của quỹ.
Bên cạnh đó là các tổ chức giáo dục và hiệp hội ngành: Các tổ chức chuyên về giáo dục tài chính và công nghệ Blockchain có thể đóng góp thông qua các chương trình đào tạo và tài nguyên để đảm bảo các bên liên quan hiểu rõ về tính chất và lợi ích của các ETF được token hoá. Các hiệp hội ngành cũng có thể cung cấp hướng dẫn và các thông lệ tốt nhất.
Dù người dân quan tâm tài sản số, song ở Việt Nam, hiện mức độ chấp nhận quỹ token hóa còn phụ thuộc vào kiến thức và nỗ lực giáo dục về số hóa các sản phẩm tài chính. Để khuyến khích sự tham gia từng bước, Việt Nam cần triển khai các kênh giáo dục đa dạng và các hoạt động hỗ trợ nhằm trang bị kiến thức cần thiết để nhà đầu tư cá nhân tự tin tham gia vào thị trường tài chính đang phát triển. Những sáng kiến này nên bao gồm nhiều tài nguyên, từ khóa học trực tuyến, hội thảo, webinar đến nội dung thông tin phong phú. Cách làm có thể học hỏi từ kinh nghiệm trong quá khứ khi các sản phẩm tài chính, như ETF, mới vào thị trường vốn Việt Nam, trải qua nhiều giai đoạn quảng bá, giáo dục và trải nghiệm để thiết lập được vị thế như hiện nay.
"Quan trọng hơn, sự tham gia và hợp tác của các tổ chức tài chính được quy định và cơ quan quản lý là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin, cung cấp kiến thức và hướng dẫn nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Việt Nam hiện nay, dân số ngày càng am hiểu công nghệ và mong muốn các lựa chọn đầu tư kỹ thuật số dễ tiếp cận. Riêng với thế hệ trẻ ngày càng quan tâm đến các phương pháp đầu tư sáng tạo, quỹ token hóa có thể trở thành lựa chọn hấp dẫn nhờ tính linh hoạt trong giao dịch tức thì, chi phí giảm và khả năng tiếp cận toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường tài sản số tại Việt Nam hiện nay vẫn gặp thách thức do thiếu quy định và sự tham gia hạn chế của các tổ chức tài chính được quản lý, điều này khiến nhà đầu tư đối diện nhiều rủi ro như gian lận tài chính và thao túng thị trường. Thêm vào đó, các khó khăn trong việc chuyển đổi tiền vào và ra khỏi thị trường tài sản số (như thách thức liên quan đến nạp và rút tiền) càng làm cho bối cảnh đầu tư trở nên phức tạp hơn, các chuyên gia nhận định.
Ghi nhận thực tế cho thấy trước và đặc biệt sau khi Luật Công nghiệp Công nghệ số mới nhất được Quốc hội thông qua với cột mốc từ 01/01/2026 chính thức công nhận tài sản số trên cả nước Việt Nam, mối quan tâm về tài sản số, đặc biệt của những người trẻ rất cao. Tuy nhiên, vẫn mới chỉ có một số tổ chức tiên phong đứng ra mở các sự kiện có quy mô và mang đến sự kết nối, bảo trợ cao, rót tiền thật đầu tư cho các nhà phát triển để xây dựng mạng lưới tài chính số, tài sản số. Điển hình như trường hợp sẵn sàng rót hàng trăm triệu USD, khuấy động thị trường của SSI, mà theo bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) – thành viên của SSI, qua đó tạo ra những cơ hội và việc định hình thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai.
Trở lại với vòng đời và quy trình tham gia token hóa ETF, theo Dragon Capital, các nhà cung cấp dịch vụ KYC/AML rất cần hiện diện để giúp các nhà phát hành tuân thủ các yêu cầu về quy định chứng khoán thông qua quy trình tự động thay vì thủ công.
Bên cạnh đó là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý: Hỗ trợ nộp các hồ sơ pháp lý và cấu trúc hóa các đợt phát hành token. Lưu ý hiện Việt Nam đã có khung pháp lý tài sản số là Luật như nêu, song việc quy định tài sản số không bao gồm “chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính” dựa trên quan điểm và góc độ là “phương tiện thanh toán” của tiền, cho thấy viễn cảnh để thực hiện token hóa ETF - mã hóa chứng chỉ quỹ hoặc lợi nhuận quỹ và giao dịch khi theo công nghệ sổ cái phân tán vẫn còn cần rất nhiều điều kiện.
Dù vậy, nhà đầu tư, các tổ chức, các quỹ vẫn đã và đang chờ đợi với nhiều hy vọng về các mô hình tài chính số dự kiến sẽ được triển khai tại Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Dragon Capital, với sự hiện diện và hợp tác giữa các bên, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, vòng đời của ETF được token hoá tại Việt Nam tuân theo một quy trình có cấu trúc, được giám sát bởi Bộ Tài chính (MoF) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) để đảm bảo tuân thủ quy định. Ba bước chính của vòng đời sẽ bao gồm: (1) thế chấp tài sản và phát hành ETF, (2) phân phối sơ cấp và thứ cấp và (3) quy trình sau giao dịch.
"ETF được token hoá đại diện cho một sự đổi mới đáng kể trong thế giới đầu tư. Tại Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia khác, việc chuẩn bị phát hành, phân phối sơ cấp và thứ cấp, quản lý tài sản sau giao dịch và hoàn trả của ETF được token hoá đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều yếu tố", các nhà xây dựng dự án nhấn mạnh.