Ai sẽ thay thế PNJ trong rổ chỉ số VN30?

HÀ PHƯƠNG 09/07/2022 05:30

Ngày 18/7 tới đây rổ chỉ số VN30 sẽ được công bố và có hiệu lực từ 01/08/2022. Theo ước tính, PNJ sẽ bị loại ra khỏi chỉ số. Vậy ai sẽ là đại diện mới vào rổ thay thế gương mặt này?

VIB huy động thành công 260 triệu USD khoản vay hợp vốn quốc tế

Cổ phiếu nào đáp ứng tiêu chí của rổ chỉ số VN30  trong đợt tái cơ cấu của các quỹ vào tháng 8/2022?  Ảnh: Quốc Tuấn

Đối với PNJ, theo số liệu của Công ty Chứng khoán VNDirect, giá trị vốn hóa thị trường bình quân 1 năm của PNJ là 23,7 nghìn tỷ đồng. Với việc nằm ngoài top 21- 40 về giá trị vốn hóa thị trường để duy trì là một thành phần của rổ VN30, ước tính PNJ sẽ bị loại trong đợt xem xét này.

VNDirect cho rằng VIB là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trong số các cổ phiếu không thuộc rổ chỉ số  VN30 hiện nay và đáp ứng đủ các tiêu chí để thay thế PNJ trong bộ chỉ số này. Theo báo cáo tài chính đã được công bố, VIB có vốn hóa thị trường bình quân 1 năm đạt khoảng 63 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 22 trong danh sách các cổ phiếu đủ điều kiện vào VN30. Các quỹ ETF dựa trên chỉ số VN30, với tổng giá trị tài sản ròng là 8.712 tỷ đồng (bao gồm ETF DCVFM VN30, ETF SSIAM VN30, ETF FUEMAV30 và ETF KIM Growth VN30), sẽ tái cấu trúc danh mục quỹ vào ngày giao dịch trước ngày 29/7/2022.

Như vậy, ước tính các quỹ ETF sẽ mua khoảng 8,3 triệu cổ phiếu VIB, tương đương khoảng 187 tỷ đồng trong khi bán ra khoảng 1,5 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 193 tỷ đồng trong xem xét định kỳ lần này. Việc cổ phiếu VIB lọt vào rổ VN30 theo các chuyên gia, đây là bước tiến mới để VIB có nhiều cơ hội tiếp cận với các tổ chức định chế tài chính có qui mô và tiềm lực lớn.  Và nhiều khả năng việc lọt chỉ số VN30 cũng giúp VIB có lợi thế về đánh giá tín nhiệm phát triển thêm về tệp khách hàng.

Hiện ngân hàng này đang chốt "room" ngoại ở mức 20,5%. Tỷ lệ này được ngân hàng cố định trước khi lên UPCoM năm 2017 và duy trì từ đó đến nay. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB liên tục ở mức 20,49%, tiệm cận với mức tối đa.

Đánh giá về VIB, Công ty Chứng khoán MBS, nhận định rằng, trong khối các ngân hàng bán lẻ hiện nay VIB là một trong những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao nhất toàn ngành với hơn 87% tổng danh mục cho vay. Trong đó, mảng cho vay ô tô hiện có thị phần số 1 toàn ngành. Hiện Việt Nam đang có tỷ lệ ô tô/1000 người thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới cùng với số lượng dân số thuộc tầng lớp trung lưu tăng nhanh hàng đầu, do đó dư địa cho mảng cho vay mua ô tô mới sẽ  còn dư địa tăng trưởng cao trong tương lai.

Đối với mảng cho vay mua nhà, VIB hiện tập trung vào cho vay mua nhà đã hình thành trên thị trường thứ cấp với pháp lý rõ ràng và gần như không tham gia vào hoạt động tài trợ dự án sơ cấp, do đó không bị ảnh hưởng bởi các quyết định siết chặt tín dụng cho bất động sản. Như vậy, nhiều khả năng VIB hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng 30% trong năm 2022 như kế hoạch...

Trong quý 1/2022, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng không quá cao tuy nhiên nhờ chi phí vốn được cải thiện nhẹ giúp NIM của VIB vẫn duy trì so với năm 2021. Việc tập trung phát triển mảng cho vay bán lẻ sẽ khiến cho VIB khó duy trì được tỷ lệ CASA cao so với các ngân hàng có tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp lớn như VCB, TCB hay MBB.

Mảng cho vay chủ lực của VIB là bán lẻ hiện tại đang bị cạnh tranh khá khốc liệt bởi những ngân hàng lớn như VCB, CTG, TCB, VPB, MBB,… Những ngân hàng này với tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp cao sẽ giúp mang về những khoản CASA lớn và do đó giúp họ có được lợi thế về mặt chi phí vốn hơn so với VIB. Ngoài ra, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao như VPB khi được gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp họ có được nhiều cơ sở nâng room tín dụng, sẽ khiến VIB khó khăn hơn trong việc triển khai các chiến lược của mình. 

Ngoài ra, việc gia tăng lãi suất của NHNN có thể khiến NIM của VIB nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung suy giảm mạnh hơn dự kiến. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải có được những nguồn vốn huy động với chi phí rẻ nhằm duy trì NIM của mình.

Trở lại việc lọt rổ VN30 của VIB, ở một góc nhìn khác, cũng là thách thức không nhỏ đối với ngân hàng. Trước đây, 30 mã trong rổ VN30 được lựa chọn dựa nhiều trên vốn hóa và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Trong số này không phải doanh nghiệp nào cũng có ngành nghề thuận lợi, kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nằm trong rổ VN30 không có nghĩa đảm bảo cho chất lượng cổ phiếu cũng như chất lượng quản trị, kinh doanh tốt của ngân hàng. 

Ngoài ra, vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, các quỹ nội và ngoại cũng sẽ xem xét đánh giá lại danh mục các cổ phiếu trong rổ; nên nếu không trụ được các yêu cầu thì VIB hay bất kỳ mã nào trong rổ cũng đều có thể bị loại như PNJ.

Dù vậy nhìn chung, các cổ phiếu trong rổ VN30 không chỉ có tính đại diện cao về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ chuyển nhượng tự do cao mà còn có khả năng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo đó, việc lọt vào VN30 sẽ giúp VIB gia tăng thu hút dòng tiền và mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng tiếp tục đối diện áp lực tăng lãi suất

    Ngân hàng tiếp tục đối diện áp lực tăng lãi suất

    05:00, 04/07/2022

  • Ngân hàng mắc kẹt với phát mãi dự án hàng nghìn tỷ đồng

    Ngân hàng mắc kẹt với phát mãi dự án hàng nghìn tỷ đồng

    11:00, 27/06/2022

  • Ngân hàng “cầm trịch” phát hành trái phiếu?

    Ngân hàng “cầm trịch” phát hành trái phiếu?

    16:50, 24/06/2022

  • Vụ HSBC và chuyện ngân hàng bị

    Vụ HSBC và chuyện ngân hàng bị "mượn tên"

    05:00, 22/06/2022

  • Ngân hàng đứng đầu về chuẩn công bố thông tin

    Ngân hàng đứng đầu về chuẩn công bố thông tin

    17:20, 20/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ai sẽ thay thế PNJ trong rổ chỉ số VN30?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO