Với vị trí trung tâm của ĐBSCL, nằm trên trục vận tải kết nối với TP.HCM và các tỉnh trong vùng, TP.Cần Thơ là vị trí thích hợp nhất để xây dựng trung tâm logistics hàng không.
Tại buổi làm việc với UBND TP.Cần Thơ về báo cáo Dự án Trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ, ông Phạm Việt Hưng, Phó trưởng ban đầu tư mua sắm của Vietnam Airlines cho rằng, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước với nhu cầu vận chuyên hàng hóa bằng đường hàng không rất lớn. Đặc biệt, những mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thủy sản rất cần được đưa nhanh đến tay người tiêu dùng, thì vận chuyển hàng không là phương thức tốt nhất.
Vietnam Airlines muốn đầu tư trung tâm logistics
Ông Hưng cũng thông tin thêm: Năm 2017 sản lượng hàng hóa từ ĐBSCL qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt trên 70.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản, rau quả bằng đường hàng không ở khu vực này từ năm 2015-2017 tăng trên 20% mỗi năm. Do đó, việc đầu tư một trung tâm logistics tại Cần Thơ để phục vụ cho cả vùng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu và giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa lên sân bay Tân Sơn Nhất.
Trên cơ sở phân tích đó, đại diện của Vietnam Airlines chính thức đề nghị TP.Cần Thơ chấp thuận chủ trương giao cho Vietnam Airlines là đơn vị duy nhất triển khai, thực hiện dự án. Đồng thời hỗ trợ cho Vietnam Airlines lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xúc tiến các bước thủ tục nhằm rút ngắn tiến độ.
Cũng theo ông Hưng: Vietnam Airlines xác định xây dựng trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ hiện đại với vai trò là ga hàng hóa kéo dài; là trung tâm phân phối hàng hóa trong tương lai, cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng liên quan đến xử lý dịch vụ hàng hóa...
Từ cơ sở nêu trên, Vietnam Airlines dự kiến sẽ đầu tư 82,9 triệu USD xây dựng trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ và được phân kỳ làm 3 giai đoạn đầu tư. Trong đó, dự kiến giai đoạn một, từ năm 2019-2020; giai đoạn hai, từ 2021-2022 và giai đoạn ba từ 2023-2024.
Vietnam Airlines sẽ lần lượt triển khai theo từng giai đoạn để đạt tổng công suất cuối cùng đối với kho ngoại quan là 40.000 m2 (công suất 200.000 tấn/năm); ga hàng hóa kéo dài có diện tích 10.000 m2 (công suất 100.000 tấn/năm); trung tâm phân phối 40.000 m2 (công suất 200.000 tấn/năm); kho dịch vụ cho thuê 46.600 m2.
Sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Dự án Trung tâm logistics hàng không Cần Thơ được các nhà đầu tư đánh giá sẽ gặp nhiều thuận lợi khi triển khai, đó là quỹ đất thực hiện dự án còn khá lớn với chi phí đền bù thấp; Cần Thơ còn là đầu mối giao thông thuận lợi đường bộ lẫn đường thủy. Đặc biệt nơi đây còn được quy hoạch xây dựng Trung tâm logistics (đường thủy) hạng 2.
Sau khi đường cao tốc TP.HCM về đến Mỹ Thuận rồi nối tiếp đến Cần Thơ hoàn thành thì hàng hóa khu vực Phía Đông sông Hậu, sông Tiền như Long An, Tiền Giang, Bến Tre… trung chuyển về cảng hàng không Cần Thơ sẽ nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn so với vận chuyển lên sân bay Tân Sơn Nhất.
Được biết, ngoài Vietnam Airlines còn có 2 hãng hàng không khác là Vietjet Air và Bamboo Airways cũng mong muốn được đầu tư vào dự án Trung tâm logistics hàng không Cần Thơ. “Nếu có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm đến một dự án thì địa phương sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Trương Quang Hoài Nam thông tin thêm.
Ông Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ cho biết, đến hết tháng 4/2019, sau khi có thêm 5 đường bay nội địa mới của hãng VietjetAir (nối Cần Thơ với Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng) và 2 đường bay quốc tế đi Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) của hãng AirAsia, số chuyến bay từ sân bay Cần Thơ tăng 35%, lượng hành khách tăng 29%, hàng hóa bưu kiện tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.