Trong khi khắp nơi khuyến cáo mọi người hạn chế tiếp xúc với đám đông thì phương thức “mua sắm trực tuyến” ngay lập tức phát huy ưu điểm khi thu hút được ngày càng nhiều người tiêu dùng.
Các gã thương mại điện tử khổng lồ thế giới, như Amazon, Alibaba… “phất” lên như “diều gặp gió”.
Tăng trưởng thần tốc
Trong năm 2019, Amazon- tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu của Mỹ Amazon, đạt doanh thu thuần 280,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2018 và lợi nhuận ròng hơn 11,6 tỷ USD, tương đương EPS đạt 23,01 USD/cp. Sự tăng trưởng doanh thu thần tốc của Amazon một phần lớn nhờ nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2019 khi dịch COVID-19 bùng phát.
Đặc biệt Amazon đã tung ra những chiêu kích cầu tiêu dùng trực tuyến, trong đó không thể không kể đến ngày Cyber Monday. Đây là một sáng kiến vô tiền khoáng hậu của Amazon, khai sinh sau ngày “Thứ sáu đen tối”. Trung bình người Mỹ chi khoảng 6- 8 tỷ USD cho mua sắm trong ngày Cyber Monday, phá vỡ mọi kỷ lục tiêu dùng trong lịch sử.
Bí quyết thành công
Thực ra, có được thành công nói trên, Amazon đã chuẩn bị nền móng từ lâu, bao trùm tất cả đó là xu thế thương mại điện tử được dự báo sẽ “lên ngôi” suốt thế kỷ này.
Còn nhớ từ năm 2006, dịch vụ Amazon Prime ra đời, từ đây trang Amazon.com không chỉ là nơi mua hàng hóa, mà còn cho phép khách hàng tạo tài khoản mua sắm có giá trị và được sở hữu nhiều các quyền lợi ưu đãi như khuyến mãi với các mặt hàng tốt, được giao hàng miễn phí, miễn phí xem phim…
Dĩ nhiên, Amazon Prime là chiếc “cần câu” rất bén, buộc người dùng đóng phí 99USD/năm. Từ đây, Amazon cột chặt khách hàng với mình; với hàng triệu tài khoản như vậy Jeff Bezos đã thu một khoản không hề nhỏ bù lại cho chi phí hoạt động, ứng biến với rủi ro.
Với chiến lược mang tên Seller Business, Amazon giao bớt những công việc rườm rà cho người bán, dĩ nhiên Jeff Bezos cũng buông cho họ không gian lý tưởng trên sàn điện tử để bán hàng. Nhờ vậy, Amazon có điều kiện bán hàng rẻ hơn đối thủ.
Khác với nhiều sàn thương mại điện tử hiện nay, Amazon sở hữu kho hàng khổng lồ. Đó là cách tốt nhất chủ động nguồn cung bất kể trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt đoạn.
Nhờ các công cụ này, doanh thu của Amazon tăng từ 4-5% trước năm 2006 lên tới trung bình 20% như hiện nay. Tất nhiên, cú sảy chân của Ebay cũng giúp “gã khổng lồ” tại Mỹ tăng tốc nhanh hơn.