Công ty điện toán Amazon Web Services thuộc Amazon vừa ra mắt AWS EdStart - chương trình hỗ trợ startup công nghệ giáo dục, phát triển các giải pháp dạy và học sáng tạo trên nền tảng AWS tại Việt Nam.
AWS EdStart thông báo sẽ giúp các startup trong lĩnh vực giáo dục xây dựng giải pháp học tập, phân tích và quản lý cơ sở vật chất trường học trực tuyến trên nền tảng đám mây AWS. Cùng với đó, các startup có cơ hội được cung cấp các khoản tín dụng khuyến mãi sử dụng AWS, tương tác kết nối với cộng đồng trực tuyến, đào tạo theo yêu cầu, cơ hội tiếp thị và hỗ trợ kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển kinh doanh.
Doanh nghiệp và nhà sáng lập startup về công nghệ giáo dục tại Việt Nam hiện có thể đăng ký tham gia AWS EdStart cũng như gia nhập cộng đồng AWS EdStart toàn cầu.
"Với AWS EdStart tại Việt Nam, các doanh nhân khởi nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ đám mây AWS để nhanh chóng xây dựng, khởi chạy và phát triển các giải pháp. Họ có thể tập trung vào việc thử nghiệm để đẩy nhanh đổi mới sáng tạo, đồng thời giảm chi phí", Lee Chew Tan, phụ trách khu vực ASEAN tại AWS cho biết.
AWS là nền tảng đám mây toàn diện thuộc Amazon, công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Ngoài việc cung cấp giải pháp đám mây, hãng còn hoạt động ở hơn 200 dịch vụ khác nhau liên quan tới Internet, trí tuệ nhân tạo, IoT, di động, bảo mật... và công nghệ giáo dục. Công ty này cũng đang hợp tác với không ít startup công nghệ tại Việt Nam thông qua AWS EdStart, chương trình tăng tốc khởi nghiệp trực tuyến, hướng tới doanh nghiệp khởi nghiệp với các giải pháp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.
Edmicro, một startup Việt Nam, đang hưởng lợi từ chương trình này vận hành website Onluyen.vn nhằm cung cấp một nền tảng giáo dục cá nhân hóa, tạo điều kiện cho các em học sinh học, thực hành và làm chủ các môn học trên lớp. Đồng thời giáo viên cũng quản lý, đánh giá sức học tập của học sinh hiệu quả hơn. Trên thế giới hiện có hơn 7.500 cơ quan chính phủ, trên 14.000 tổ chức học thuật và 35.000 tổ chức phi lợi nhuận sử dụng AWS để hiện thực quá sứ mệnh của họ đối với người dân, cũng như giúp đơn giản hóa bộ máy vận hành.
COVID-19 gây xáo trộn hoạt giáo dục khi trường học đóng cửa nhưng cũng là cú hích tạo nên sự thay đổi. Theo ước tính của UNESCO, tới giữa năm 2020 có hơn một tỷ học sinh toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song dần thích nghi với điều kiện mới thông qua việc áp dụng công nghệ để học trực tuyến thay vì đến trường lớp như truyền thống.
Khảo sát của Research & Market cho thấy thị trường giáo dục trực tuyến toàn cầu dự kiến tăng trưởng từ 187,9 tỷ USD năm 2019 tới 319,2 ty USD vào năm 2025. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, thậm chí còn là thị trường hứa hẹn. Công ty nghiên cứu thị trường Ken Research dự đoán giáo dục trực tuyến Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 con số, đạt 20,2% trong giai đoạn 2019-2023 và sẽ đạt giá trị 3 tỷ USD. Công nghệ giáo dục (Ed-Tech) cũng đang thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả quốc tế, chỉ xếp sau Fintech (công nghệ tài chính) và thương mại điện tử.
Đại diện AWS khu vực Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động, sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á. Đối với chiến lược phát triển thì giáo dục đào tạo cũng là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của. Amazon Web Services đánh giá đây là thời điểm phù hợp để ra mắt chương trình Edstart, hỗ trợ các công ty đưa ra giải pháp công nghệ trong mảng giáo dục đào tạo.
https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/hanh-trinh-khoi-nghiep/amazon-ra-mat-chuong-trinh-ho-tro-startup-giao-duc-viet-4259740.html