New Delhi đang nằm trong sự lựa chọn khó khăn khi phải "đặt lên bàn cân" mối quan hệ Trung-Mỹ. Theo Mỹ chống lại Bắc Kinh hay bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để theo đuổi mục đích kinh tế?
Cuộc đụng độ biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào ngày 15 tháng 6 vừa qua ở Thung lũng Galwan chân dãy núi Himalaya đã dẫn đến thương vong ở cả hai phía. Mặc dù các cuộc đụng độ dọc biên giới tranh chấp đã trở nên phổ biến hơn trong vài năm qua nhưng đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất kể từ năm 1962.
Cuộc xung đột này có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Trung-Ấn. Nó có thể đẩy hai quốc gia đông dân nhất thế giới ra xa nhau hoặc nó có thể là chất xúc tác cho một tương lai mang tính xây dựng hơn.
Thung lũng Galwan chân dãy núi Himalaya nơi xảy ra cuộc đụng độ chết người giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Nhiều nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ căng thẳng của Trung Quốc với Ấn Độ dường như được “sắp đặt” nằm trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Bắc Kinh và Washington. Giới chuyên môn nhận định, cuộc đụng độ trên đang kéo một Ấn Độ do dự tiến gần hơn Mỹ trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Ấn.
Cuộc đối đầu biên giới nguy hiểm nhất trong vòng 50 năm qua đã khơi dậy một cuộc tranh luận về việc New Delhi có nên “củng cố một liên minh chính thức” với Washington để chống lại Trung Quốc và liệu điều đó có làm thay đổi tam giác chiến lược Trung Quốc-Ấn Độ-Hoa Kỳ và định hình lại địa chính trị của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hay không?
Tuy rằng vẫn còn đó một “nỗi sợ hãi” của Ấn Độ trong việc trở thành đồng minh phụ thuộc của Mỹ từ trước đến nay đã khiến New Delhi không thể hoàn toàn chấp nhận chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Nhưng thời điểm này, nhiều nhà quan sát ở Trung Quốc tin rằng, Washington đã đóng một “vai trò ngầm” trong căng thẳng biên giới Trung -Ấn và có thể việc Ấn Độ “về phe” với Mỹ để chống lại Bắc Kinh sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Các nhà quan sát cũng cho rằng, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc thời điểm tới chính là ổn định quan hệ với Ấn Độ nhằm “ngăn chặn Mỹ, đẩy lùi và tránh chiến trên cả hai mặt trận".
Sự lựa chọn của Ấn Độ?
Ấn Độ đang nằm trong một sự lựa chọn đau đầu! New Delhi có thể ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Trump trong lập trường rút lui khỏi toàn cầu hóa và tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, tạo ra một “cường quốc đóng cửa” duy trì quy mô nền kinh tế bằng một phần năm của Trung Quốc. Với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tự chủ, bảo đảm cho sự độc lập về chính trị, có tốc độ phát triển ổn định. Nền kinh tế ít bị ảnh hưởng bởi những biến động xấu của nền kinh tế thế giới.
Người dân Ấn Độ kêu gọi tham gia các cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sau cuộc đụng độ chết người tại biên giới hai nước
Một lựa chọn khác là Ấn Độ có thể chọn tham gia đa phương để xây dựng khả năng cạnh tranh quốc tế và không gian đa cực được bảo vệ. Ở đây có thể vẫn là “phe cánh” của Mỹ để chống lại Trung Quốc. Hoặc Ấn Độ có thể lựa chọn một sự "bình thường hóa" quan hệ với Trung Quốc sau một số những căng thẳng quân sự chính trị vừa qua để xoa dịu "nỗi đau kinh tế".
“Sự lựa chọn sinh tử” trong thời điểm này đang khiến Thủ tướng Modi cảm thấy cực kỳ căng thẳng! Từ trước đến nay, ở Ấn Độ, vốn dĩ không có một nhà lãnh đạo nào sẵn sàng can đảm chống lại chống Trung Quốc và thực hiện các bước cần thiết để tham gia một mối quan hệ mang tính xây dựng chiến lược với Mỹ. Vì vậy, sự lựa chọn của Modi đang mang tính “lịch sử”.
Tuy nhiên, có thể sự bùng nổ trong căng thẳng biên giới mới đây sẽ củng cố sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ và Mỹ trước một Trung Quốc đầy tham vọng chính trị và có thể buộc Ấn Độ xem xét lại nghiêm túc lập trường của mình đối với khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương chống Trung Quốc của Washington.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng mối quan hệ Mỹ-Ấn đang phát triển mạnh mẽ về ngoại giao và an ninh trong suốt hai thập kỷ qua, có thể sẽ làm thay đổi mối quan hệ tay ba với Trung Quốc và cán cân quyền lực trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc lại bị động bởi những chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Trump, được đưa ra từ ba năm trước trong nỗ lực xây dựng liên minh với Ấn Độ và các nước cùng chí hướng khác để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Ấn liệu có mở ra một trang mới sau sự lựa chọn từ Modi?
Thủ tướng Narendra Modi đang rất kiên định mục tiêu của Ấn Độ theo “chính sách Act East” được nâng cấp từ phiên bản “chính sách Look East” của người tiền nhiệm từ đầu những năm 1990, Ấn Độ đã theo đuổi các liên kết thương mại, chính trị và quân sự chặt chẽ với Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền từ tháng 5/2014 tỏ rõ quyết tâm muốn Ấn Độ đóng vai trò chiến lược lớn hơn thông qua phát triển các mối quan hệ đối ngoại theo ba hướng chính gồm: (i) củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Nam Á và đảm bảo vai trò lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ Dương, (ii) phát triển quan hệ với các cường quốc, (iii) đẩy mạnh quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông và Đông Nam Á, thông qua chính sách Hành động Hướng Đông (Act East Policy), nâng cấp từ Chính sách Hướng Đông (Look East Policy) vốn được thực hiện nhất quán qua các kỳ Thủ tướng từ năm 1992.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, mặc dù có sự hợp tác sâu hơn với Mỹ, Ấn Độ có thể sẽ vẫn chịu “sự coi thường” của chính quyền Trump bởi Ấn Độ đang có một mối quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng mật thiết với Nga. Chưa biết lựa chọn của Ấn Độ và Thủ tướng Modi là như thế nào trong bối cảnh kinh tế chính trị phức tạp hiện nay nhưng những tác động từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột vừa qua dường như đã tạo thêm động lực nhấn nút “kết nối” Mỹ-Ấn.
Có thể bạn quan tâm