Chiến lược “thuế 0 đổi 0” của Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán để giảm mức thuế đối ứng của Mỹ.
Ấn Độ đã đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với một số mặt hàng công nghiệp từ Hoa Kỳ như thép, linh kiện ô tô và dược phẩm, với điều kiện Mỹ cũng phải có động thái tương tự cho hàng hóa Ấn Độ, theo các nguồn tin trong chính phủ New Delhi được Bloomberg đăng tải.
Theo đó, đề xuất này được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm Washington của đoàn đàm phán thương mại Ấn Độ vào cuối tháng 4/2025, nhằm đẩy nhanh tiến trình đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ trước khi hết thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế quan của Mỹ.
Dù vậy, đề xuất miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu của Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ năm thế giới - có hạn mức nhất định. Nếu khối lượng hàng hóa vượt quá ngưỡng này, mức thuế thông thường sẽ được áp dụng trở lại.
Chính phủ Ấn Độ cho biết đề xuất này đã được cân nhắc kỹ lưỡng sau khi tham vấn với các hiệp hội xuất khẩu trong nước – những đơn vị cho rằng việc miễn thuế có chọn lọc sẽ không ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp nội địa vốn có khả năng cạnh tranh cao về giá.
Theo ông Pankaj Chadha, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Kỹ thuật Ấn Độ, đây là một chiến lược hợp lý vì sản phẩm công nghiệp Ấn Độ – đặc biệt là các mặt hàng kỹ thuật và dược phẩm – có lợi thế lớn về chi phí.
Trong năm tài khóa 2024-2025, Ấn Độ đã xuất khẩu sang Mỹ lượng dược phẩm trị giá 10,5 tỷ USD và hàng kỹ thuật trị giá 19,1 tỷ USD. Thông qua cơ chế “thuế 0 đổi 0”, Ấn Độ không chỉ kỳ vọng duy trì thị phần xuất khẩu mà còn củng cố vị thế đàm phán trong các thỏa thuận thương mại tương lai.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ suy thoái ở Mỹ và xung đột địa chính trị, việc đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường lớn như Hoa Kỳ là cực kỳ quan trọng với các quốc gia như Ấn Độ.
Tuy nhiên, đề xuất này không hoàn toàn dễ dàng được chấp thuận. Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về việc Ấn Độ gia tăng các Lệnh Kiểm soát Chất lượng (Quality Control Orders - QCO), vốn được xem là rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Từ chỉ 14 QCO trước năm 2014, Ấn Độ đã nâng con số này lên hơn 140 kể từ năm 2017, đặt ra những yêu cầu khắt khe với cả doanh nghiệp nội địa và nước ngoài.
Đáp lại, Ấn Độ bày tỏ sẵn sàng xem xét lại các QCO trong một số lĩnh vực như thiết bị y tế và hóa chất, đồng thời đề xuất ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Mỹ. Theo đó, hai nước sẽ chấp nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhau nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương.
Động thái mới của Ấn Độ có thể được xem là một “hướng đi mềm dẻo” trong khi vẫn bảo vệ lợi ích chiến lược. Trong khi nhiều quốc gia – bao gồm cả Việt Nam – đang đối mặt với sức ép thương mại từ chính sách thuế mới của Mỹ, thì việc Ấn Độ chủ động đề xuất giảm thuế có chọn lọc và thúc đẩy công nhận tiêu chuẩn kỹ thuật cho thấy một cách tiếp cận vừa phòng thủ, vừa chủ động.